Chuyến đi không chỉ để check điểm cực mà còn để cảm nhận những vẻ đẹp, nét đặc sắc riêng của miền đất xa xôi, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Đất Mũi mờ xa dù để tới không mấy khó khăn nhưng vẫn khiến mọi người ngại ngùng. Bởi đó là điểm tận cùng của đất nước, bao quanh chỉ là nước, rừng ngập mặn bát ngát, vô tận. Ảnh: Đường ven biển ra Mũi Cà Mau.
Cực Nam – Mũi Cà Mau còn có tên gọi khác là Mũi Bãi Bùng nằm ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây cũng là điểm kết thúc tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nên vẫn được coi là vùng đất thiêng liêng, mang dấu ấn rất đậm về địa lý, lịch sử của đất nước. Ảnh: Đường tới đất Mũi nay không phải qua sông, qua đò mà đã có nhiều cây cầu mới, đi lại dễ dàng.
Đường tới Đất Mũi dù xa nhưng khá tốt, thuận tiện, có thể đi xe máy, ô tô riêng, hoặc xe khách tới. Toàn bộ khu vực hiện tại đã được quy hoạch, bảo tồn với tọa độ mốc quốc gia, khu đài tưởng niệm, kè bao chống sạt, rừng quốc gia ngập mặn… Ảnh: Con thuyền – biểu tượng của Mũi Cà Mau.
Đến với Mũi Cà Mau, bạn có thể check mốc, ngắm biển, hòa mình trong hương rừng đước, cảm nhận không gian, không khí một vùng đất hoang sơ, bình yên, thô mộc và phóng khoáng. Ảnh: Khu vực kè chống sạt lở và rừng ngập mặn ven Đất Mũi.
Đất Mũi thuộc vùng cực Nam, như một bán đảo giáp Biển Đông và vịnh Thái Lan, là khu vực các cửa sông đổ ra, phù sa bồi đắp, ăm ắp sức sống, thiên nhiên trù phú. Vị trí địa lý đặc thù khiến vùng đất này luôn tạo cảm giác đặc biệt: vừa yên ổn, vững vàng, bình an lại vừa có gì heo hút, đìu hiu, chơi vơi. Ngắm nhìn những tạo vật, ngôi nhà bị nước bao vây, sóng đỏ phù sa nôn nả vỗ khiến lữ khách lòng bâng khuâng, man mác. Mọi thứ đều tít tắp mù xa, thăm thẳm vời vợi.
Chúng tôi chọn cách tới Mũi Cà Mau bằng phương tiện xe máy từ Cần Thơ để được ngắm và cảm nhận nhiều nhất không khí, điệu hồn của miền đất Phương Nam gắn với hình ảnh cánh đồng bất tận, trời xanh mây trắng soi bóng xuống những dòng sông, kênh rạch chằng chịt. Suốt dọc cung đường, chúng tôi được thỏa mãn cảm giác về sông nước mênh mông, ngập tràn không gian trước mặt. Càng gần Đất Mũi, nhà dân càng thưa, còn lại là những cung đường của rừng ngập mặn và nước hoang sơ, man dại, mang dấu ấn một thuở cha ông đi khai hoang mở cõi, sông nước – đất trời – rừng cây giao hòa, kết nối.
Chiều dần buông, bóng tối bao trùm, chúng tôi đi trong một ngày mưa trên con đường hun hút. Khắp nơi chỉ thấy nước. Đi xa càng thấm nỗi buồn, cảm giác ngại ngùng, lay lắt của vùng đất như bị bỏ quên.
Nó thăm thẳm, hiu hắt, hoang vu. Tất cả chạm vào cảm xúc nỗi niềm của kẻ lữ hành vọng cố hương. Con đường vừa hối thúc lại vừa mở ra sự chùng chình trước cái huyền bí, mông lung của nơi đến xa lắc.
Ấn tượng nhất trên cung đường tới Đất Mũi là những rừng đước nối tiếp, trải ra bất tận hai bên, che rợp một vài đoạn. Những cây đước cao vút, khiến con đường hun hút sâu, xa thẳm.
Con người như hòa cùng thiên nhiên để sống trong giây phút hồn nhiên, vô ưu. Những nếp nhà lá đơn sơ, nhỏ nhoi, côi cút bên rừng xanh, cạnh kênh rạch làm nhói lên niềm cảm khái về miền đất như còn nguyên vẹn suốt hàng trăm năm nay, qua nhiều biến động của lịch sử.
Cho nên, đã vượt qua cả một chặng đường dài để tới “Đất Mũi mù xa” thì bạn hãy dừng lại nhiều chút, thưởng thức những đặc sản nơi đây. Một trải nghiệm đặc biệt, khó quên là đi thuyền dọc theo các kênh rạch, xuyên rừng đước.
Cảm giác khi xuyên rừng đước như được sống về miền đất Phương Nam từ thuở mở cõi, hoang vu và nguyên sơ. Nắng xuyên qua rừng bừng lên lấp lánh, trong veo, mát lành như chính tâm hồn của những con người nơi đây, chân chất, hồn hậu, trong sáng, vô tư.
Đất Mũi tưởng xa mà gần, mịt mù, thăm thẳm mà thân thương, hoài nhớ. Bởi nơi đó mang trong mình phù sa của xứ sở, của lịch sử và tâm hồn Việt. Đi qua vùng cực cũng là một lần ta đi đến tận cùng xa xôi của cảm xúc, cảm giác.
Một dải Việt Nam nối liền, ở đâu cũng là linh hồn Việt, những con người đã sống cả đời mình như dòng sông bồi đắp phù sa, như những cánh rừng xanh ngắt chở che, như biển lớn vẫn ào ạt dâng sóng, làm nên sự trù phú, bát ngát, mênh mông cho quê hương./.
Theo VOV.VN