Hoàng Su Phì là huyện biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang, nơi quần tụ, sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Với địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh, để tạo ra lương thực, người dân đã xả núi thành những thửa ruộng bậc thang để giữ nước và trồng lúa. Sự kết hợp tuyệt vời giữa phương thức sản xuất sáng tạo, kinh nghiệm canh tác nương rẫy và canh tác trên ruộng nước đã tạo nên kiệt tác giữa ngàn mây: Di sản ruộng bậc thang. Vì thế, ruộng bậc thang đặc sắc không chỉ mang lại giá trị vật chất, giúp người dân nơi đây có cuộc sống đủ đầy, no ấm mà còn mang đậm giá trị lịch sử, chiều sâu văn hóa và cảnh quan.
Ruộng bậc thang xã Tả Sử Choóng vào mùa lúa chín
Năm 2011, ruộng bậc thang tại 5 xã gồm: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Nậm Ty, Thông Nguyên, Bản Phùng, Hồ Thầu được công nhận Di sản cấp Quốc gia. Từ đây, ruộng bậc thang đã trở thành điểm hẹn du lịch hấp dẫn, gọi mời du khách trong và ngoài nước; mở ra nhiều cơ hội, triển vọng mới phát triển du lịch huyện nhà, đồng thời trở thành niềm tự hào trong lao động sản xuất của người dân địa phương. Để bảo vệ di sản, UBND huyện Hoàng Su Phì đã triển khai nhiều giải pháp như: Khoanh vùng diện tích ruộng nằm trong vùng di sản để bảo vệ; tuyên truyền, vận động người dân giữ nguyên cảnh quan ruộng bậc thang; triển khai các loại giống lúa tốt, năng suất; phát triển nuôi cá chép ruộng vừa tăng thu nhập cho người dân và tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo mới. Năm 2017, ruộng bậc thang tại các xã Tả Sử Choóng, Nậm Khòa, Pố Lồ, Bản Nhùng, Thàng Tín tiếp tục được bổ sung vào danh sách diện tích lúa nằm trong vùng di sản, nâng tổng số diện tích ruộng bậc thang trong vùng di sản được bảo vệ lên 2.196,4 ha. Từ di tích ruộng bậc thang, du lịch Hoàng Su Phì đã có bước phát triển nhảy vọt. Khách du lịch đến với huyện ngày càng đông, đặc biệt vào mùa ruộng bậc thang đổ nước và mùa lúa chín. Năm 2018, huyện Hoàng Su Phì đón 28.600 lượt khách, trong đó có trên 8 nghìn lượt khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm, đã có trên 19 nghìn lượt du khách đến Hoàng Su Phì, doanh thu từ du lịch đạt trên 10 tỷ đồng.
Thông Nguyên là một trong những địa phương có diện tích ruộng bậc thang đẹp, nằm trên trục đường từ Bắc Quang vào trung tâm huyện. Những năm qua, Thông Nguyên đã trở thành điểm đến hấp dẫn, gọi mời với du khách gần xa. Phó Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên Triệu Vằn Khuân cho biết: “Hiện, xã Thông Nguyên có 8 homestay, 2 khu du lịch kiểu Bungalow, mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan ruộng bậc thang, giúp người dân có thêm thu nhập, một số homestay có thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng mỗi tháng. Xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ di sản, không phá ruộng bậc thang, tăng cường chăm sóc ruộng, trồng lúa và nuôi cá chép gắn với phát triển du lịch. Từ vùng di sản, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao”.
Trai gái người Dao xã Thông Nguyên trải nghiệm bắt cá chép ruộng bậc thang
Đồng chí Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Hoàng Su Phì, Phó trưởng Ban tổ chức Tuần văn hóa, du lịch qua “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lần thứ V, năm 2019 cho biết: “Với chủ đề “Trên những bậc thang vàng”, Tuần văn hóa, du lịch qua “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lần thứ V năm 2019 diễn ra từ ngày 18 – 22/9 với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị hấp dẫn quy mô cấp tỉnh, huyện như: Hội thi nghệ nhân pha trà Việt Nam 2019; bay dù “Trên bậc thang vàng” tại xã Nậm Ty, Thông Nguyên; trình diễn xe ô tô, mô tô địa hình “Tây Côn Lĩnh Challenge Offroad cup 2019”; không gian văn hóa gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện; Hội chợ thương mại; đêm hội văn hóa dân gian. Ngoài ra, tại các xã có di tích ruộng bậc thang sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động, hấp dẫn như: Lễ hội Gầu Tào; thi văn nghệ dân gian, thi gặt lúa, các trò chơi, thể thao dân gian tại xã Tả Sử Choóng; Trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương tại xã Bản Nhùng; tham quan vườn chè cổ thụ trên 500 tuổi và Trình diễn “Liếm lưỡi cày” của dân tộc Mông xã Nậm Ty; khai hội không gian văn hóa ẩm thực địa phương và lễ cúng cơm mới, hội thi duyên dáng các dân tộc tại xã Hồ Thầu; cuộc thi chế tác Đàn nhị, thêu sáp ong, đan quẩy tấu; dã bánh dày, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao và trải nghiệm bắt cá chép ruộng bậc thang tại xã Bản Péo...”.
Trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng, những cô gái người Dao, Nùng, La Chí, Mông với những bộ trang phục dân tộc đặc sắc cùng tham gia các trò chơi dân gian, bắt cá chép ruộng… với du khách tạo nên một bức tranh đẹp về sự hòa mình giữa con người với thiên nhiên. Thật khó để diễn tả cảm xúc khi trải nghiệm trên những cung đường uốn lượn quanh co bên sườn núi, đắm chìm trong những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn tầm mắt ẩn hiện giữa trời mây; chụp cho mình những bức ảnh thật ưng ý để giới thiệu với bạn bè và du khách. Quả thật, kiệt tác nghệ thuật giữa núi rừng Hoàng Su Phì thật biết chiều lòng du khách.
Biện Luân/ Báo Hà Giang