Nét rêu phong còn vương mãi… |
Nếu là trước đây, không khó để người ta có thể bắt gặp lối kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ khi đặt chân đến làng Cự Đà. Nhưng theo thời gian, luồng gió của “đô thị hóa” đã khiến những ngôi nhà cổ của làng Cự Đà chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, những gì còn lại của làng Cự Đà đã chứng minh rằng thời gian và “đô thị hóa” vẫn chưa thể làm mất đi những nét trầm tư, cổ kính và truyền thống bao đời ở Cự Đà.
Cổng làng Cự Đà gợi nhớ về một thời đã xa
Xen kẽ giữa những ngôi nhà cao tầng, những bức tường sơn mới là sự trầm lắng của những bức tường gạch đỏ mái ngói nhuốm màu rêu phong
Hỏi thăm đường đến những ngôi nhà cổ trong làng, một người dân đầu ngõ cho biết: “Số nhà cổ trong làng giờ ít lắm, cổng làng cũng vậy, đầu làng và cuối làng đã được làm mới, chỉ còn cổng giữa làng thôi. Nhà cổ trong làng giờ còn 4-5 nhà như nhà ông Sủng, nhà cổ Pháp của bà Hồng xóm Hiếu Đễ, nhà ông Như Lai xóm Chùa 3, nhà ông Đán.”
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến thăm nhà bà Hồng ở xóm Hiếu Đễ, ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi được thiết kế theo kiến trúc Pháp duy nhất còn lại trong làng.
Một trong số ít cổng xóm còn sót lại ở làng Cự Đà
“Ngày xưa xóm nào cũng có cổng xóm, đầu và cuối xóm đều có, bây giờ chỉ còn khoảng 3-4 cái ít ỏi. Ngày xưa chỉ có trâu với người đi thì cổng thấp lắm, bây giờ phát triển rồi thì phải nâng lên tầm 80cm nên người ta phải phá bỏ làm lại” - ông Vũ Văn Bằng, cựu Trưởng Ban văn hóa xã cho biết.
Nằm nép mình sâu trong con ngõ nhỏ, giữa những ngôi nhà mới vừa xây xong, ngôi nhà cổ của 2 ông bà Nguyễn Văn Bảo và Trịnh Thị Hồng có chiều cao nổi bật so với những ngôi nhà khác. Cửa gỗ, hình mái vòm, ngoài cửa gắn số nhà cũ mang dấu tích xưa cũ của một ngôi làng được cho là có số nhà sớm nhất tại Việt Nam. Ngôi nhà của bà Hồng khiến chúng tôi bất ngờ, tưởng như lạc vào tòa lâu đài Pháp cổ giữa một làng quê Bắc bộ.
Căn nhà 2 tầng hơn 116 tuổi đã bong tróc vôi vữa, lộ ra lớp gạch đỏ, song vẫn giữ được những chi tiết chạm khắc tinh vi
Mỗi một viên đá lát đều có thể "kể" một câu chuyện, mỗi chi tiết được chạm trổ cầu kì cũng có thể chứa đựng vài ba giai thoại đằng sau
Bà Hồng, chủ ngôi nhà chia sẻ với chúng tôi: “Nhà này của cụ ngày xưa là đại điền chủ, bà lấy ông nên được chia ngôi nhà này, nhà bà hơn 100 năm rồi, bà cũng chỉ là hậu thế thôi. Chỉ sửa các cánh cửa bị hỏng còn hầu như vẫn giữ nguyên kiến trúc ngày xưa. Ngôi nhà này gắn với ông bà từ khi mới về sống chung, giờ con bà, cháu bà, cả nhà 3 thế hệ cùng sinh sống. Bà chưa bao giờ có ý định thay đổi cái gì của nhà cả nếu không hư hỏng quá”.
Cách không xa nhà bà Hồng là ngôi nhà mang đậm kiến trúc dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ kết hợp phong cách trang trí kiểu Tàu của gia đình ông Như Lai ở xóm Chùa 3. Ngôi nhà 5 gian của ông bà đã trải qua nhiều lần tu sửa, ngói đã được đảo mới nhiều lần, gạch lát mới để phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện đại, gian trái cũng đã được sửa lại để làm phòng cho người con trai.
Ngôi nhà điển hình cho cấu trúc dân gian, được dựng bằng gỗ lim, lợp ngói đỏ nay đã phai màu theo năm tháng
Dù ngôi nhà đã thay đổi nhiều, không còn kiến trúc “nội tự ngoại khách”, đóng kín cửa bức bàn, nhưng những nét chạm khắc tinh xảo, hoa văn đường nét tinh tế đã tồn tại hơn 100 năm vẫn không hề mai một.
Vợ ông Lai, chủ ngôi nhà cho biết: “Ngôi nhà này đã được khoảng 1 thế kỉ, các thiết kế tinh xảo lắm, bao nhiêu năm vẫn như thế này. Đây là phong tích của Tàu, gọi là cửa gỗ sồi, có tranh tứ bình, ngựa, chim đậu trên cành… Nhà này ngày trước của cụ Hàn Tuy - lái thương buôn gỗ nên có điều kiện để làm các hoa văn chi tiết, tinh xảo như thế này. Cách đây không lâu có một đoàn phim Pháp mượn nhà tôi để đóng phim “Nơi tận cùng của thế giới”. Rất nhiều người vào đây thích mua lại các cánh cửa lắm nhưng chúng tôi không bán vì chúng là vô giá.”
Bức tranh tứ bình được chạm trổ tinh xảo trên cửa cách đây một thế kỉ
Nhìn ngắm những dấu ấn phảng phất kiến trúc Trung Hoa còn sót lại của ngôi nhà, du khách sẽ như được đắm chìm vào dĩ vãng xa xưa
Cầu kì và tinh tế, những đường nét chạm khắc cho thấy bàn tay tài hoa của những người thợ xưa
Hiên trước nhà có dầm gỗ nhô ra được tạo hình mui thuyền và chạm khắc tinh vi
Sải bước trên lối nhỏ trong làng, chúng tôi đến thăm chùa Cự Đà – ngôi chùa hơn 300 tuổi, nhân chứng lịch sử chứng kiến sự thay đổi của ngôi làng theo thời gian. Cổng chùa đã được làm mới, nhưng vẫn giữ nguyên phong cách xưa.
Chùa Cự Đà mang kiến trúc điển hình của đình chùa Việt Nam
Ttrong chùa, ngoài chánh điện còn có thêm 2 dãy thờ 18 vị A La Hán. Người dân Cự Đà đến chùa tu tập, nghe giảng kinh mỗi buổi tối sau giờ cơm
Về thăm Cự Đà, dẫu rằng những dấu tích xưa cũ của ngôi làng còn lại không nhiều nhưng ngần đó vẫn đủ để hình ảnh một ngôi làng mang đậm bản sắc truyền thống của làng quê Việt Nam hiện rõ trong lòng du khách. Ở đây, thời gian như ngưng đọng, khiến người ta không kịp nhận ra ngoài kia là cả một khu đô thị vội vã, xô bồ.
Nặng tình nghề truyền thống |
Người làng Cự Đà vô cùng mến khách, nhiệt thành khiến chúng tôi chợt nhận ra, cái nét chân chất nhiệt tình của người dân nông thôn Việt Nam vẫn không hề mất đi sau năm tháng. Chia tay bà Hồng, gia đình ông Như Lai, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Văn Bằng – cựu Trưởng Ban văn hóa xã, gia đình còn lại duy nhất trong làng còn làm tương theo bí quyết truyền thống và lặng người khi nghe ông kể chuyện nhà, chuyện nghề.
Ông Bằng làm tương không vì mục đích kinh tế hay lợi nhuận. Ông làm chủ yếu phục vụ bà con trong làng và một vài khách quen trên Hà Nội. Ông kể có chút giọng xót xa: “Nhà tôi làm nghề tính đến đời tôi là nhiều đời lắm rồi không nhớ rõ, nhưng mà đến đời tôi thì chắc là thất truyền… vì các cháu bây giờ làm nghề khác hết rồi”. Trong nhà còn mỗi 2 ông bà làm nghề, con trai cả của ông cũng biết làm nhưng chỉ làm phụ, không lấy nghề tương làm chính. Ông tiếc nghề tổ nên làm với số lượng ít để giữ lại hương vị truyền thống của cha ông.
“Bây giờ phát triển, người trong làng làm tương nhiều lắm, họ bán cho những siêu thị, các tỉnh thành nên họ làm số lượng lớn. Cho đến giờ chỉ có tôi ở làng Cự Đà là đã làm lâu đời, làm cả năm chỉ bằng họ làm trong không đến một tháng. Sản lượng mình làm ra vẫn làm theo hướng truyền thống, vẫn dùng lá nhãn ủ bằng niêu, bán cho những người dân ở đây. Ai sành ăn ở Hà Đông, Hà Nội người ta biết người ta cũng về đây. Tôi thì chỉ làm với mục đích giữ nghề tổ.”
Trước đây, người ta thường dùng gạo nếp cái hoa vàng để làm tương, nhưng giờ chủ yếu dùng gạo nếp thường
Những chum tương lớn này chủ yếu chỉ được làm để giữ nghề
“Để làm ra 1 hũ tương trải qua rất nhiều công đoạn: thổi xôi để khoảng 5 ngày, đưa lên nong để lên men tự nhiên, sau đó đem ra chiêu, ủ khoảng 6-7 ngày mới bắt đầu đem ra muối. Phơi nắng khoảng 1 tháng mới bắt đầu ngả tương, rang đậu, để 1 tháng hòa nước đậu và mốc lẫn thì mới ra tương thành phẩm. Tương thành phẩm đem phơi khoảng 10 ngày đến nửa tháng thì mới được bán, thực ra không phơi mà ăn ngay cũng được nhưng nó vẫn còn ngái, ăn không ngon” - ông Bằng cho biết.
Tháng 4 đến tháng 8 là thời điểm thuận lợi cho những mẻ tương thơm ngon
"Làm tương ngon rất khó, tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm chứ không có sách vở gì cả. Tiêu chuẩn tương ngon là mùi thơm đặc trưng, màu vàng, và riêng truyền thống của Cự Đà là tương phải xay nhỏ. Vào khoảng tháng rưỡi thì sẽ được 1 mẻ tương chất lượng. Tương nhà tôi được bán với giá 25.000đ/lít” - ông Bằng chia sẻ
Ngoài nghề làm tương, Cự Đà còn được biết đến là “thiên đường của miến”. Vào thời điểm nắng đẹp, rất dễ để bắt gặp hình ảnh người dân làng Cự Đà chở đầy xe miến vàng ươm chạy khắp ngõ nhỏ trong làng. Miến Cự Đà được phân phối rộng rãi tại các nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ tại Hà Nội.
Những sợi miến khoác lên mình một màu vàng ươm, lấp lánh ngoài nắng
Công đoạn cuối cùng – cuộn miến thành những gói nhỏ để đem đi tiêu thụ
Khi được PV hỏi rẳng “Nếu một ngày nhà cổ không còn, nghề xưa khó giữ ông, bà cảm thấy như thế nào?”, những nhân vật mà chúng tôi gặp như ông Bằng, bà Hồng, gia đình ông Lai đều có một nỗi niềm tâm trạng chung. Ông Bằng, người gắn bó với làng đã 63 năm, thuộc lòng từng câu chuyện về văn hóa, từng vách nhà cổ, từng công đoạn làm tương, nói với giọng đầy trăn trở: “Tiếc, tiếc chứ! Tiếc nhưng bây giờ biết làm thế nào?”
Câu chuyện của Cự Đà cũng là câu chuyện chung của rất nhiều ngôi làng cổ ở Việt Nam: Bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống ra sao khi đô thị hóa ngày càng phát triển
Câu nói của ông Bằng gieo vào lòng chúng tôi những suy nghĩ đầy khắc khoải. Những gì còn lại ở nơi đây không chỉ là nhà cổ, là nghề cũ mà còn là tâm tình và nếp sống văn hóa của người dân Cự Đà. Làm sao để giữ gìn khi những lớp người "xưa", những người vẫn đang cố gắng gìn giữ truyền thống rồi sẽ ra đi.
Cự Đà đẹp, cổ kính, trầm mặc, người dân Cự Đà mến khách, sống an yên bên bờ sông Nhuệ, khuất sâu sau khu đô thị Thanh Hà ồn ào tấp nập, rồi đây liệu có còn?
Mỹ Linh - Diệu Linh