Vốn mê ăn đào, nơi nào có đào ngon là tôi phải tìm tận nơi mới được. Nghe đồn đào mèo Sơn La nức tiếng thơm ngọt nên tôi quyết tâm diện kiến các tiên đào trên non bồng núi thẳm.
Hành trình gian nan
Ở nhiều ngôi chợ lớn, kể cả chợ đầu mối, người bán lắc đầu quầy quậy khi nghe hỏi tên đào Mèo. Mua vé máy bay giá rẻ ra Hà Nội, sau đó tôi nhảy ngay lên xe giường nằm phóng vùn vụt qua Hòa Bình. Đến Quốc lộ 6, tôi đã thấy hai bên đường đầy các gùi đào của dân bản đem ra bán. Đào da láng ửng đỏ ửng vàng tràn ngập, đào Pháp lai đào Mèo to no tròn bắt mê nhưng không có đào Mèo chính gốc.
Đào Mèo ở Sơn La
Thế là, đi tiếp đến Sơn La, tôi hỏi rất nhiều người, từ ông xe ôm, bác lái xe buýt, các bà bán trái cây ngoài chợ về loại trái cây này. Tất cả, dường như đều cùng câu trả lời: “Đào Mèo đã tuyệt chủng rồi, không có đâu, đừng tìm vô ích”.
Thất vọng não nề, tôi ghé qua vườn hồng Nguyệt Điện ở Chiềng Mun (Mai Sơn, Sơn La) thì bớt buồn ngay khi lạc giữa cánh đồng hoa hồng bát ngát. Không ngờ nơi “hoang sơn cùng cốc” này mà lại có một biển hồng tuyệt sắc như vậy. Nhất là các gốc hồng Sơn La cổ thụ cao hơn 3 mét, hoa phủ kín từ gốc tới ngọn, đỏ rực trời. Ông bà chủ tâm sự yêu hồng mê hồng mới lập ra vườn hồng cổ Sơn La này.
Trò chuyện với họ, biết tôi muốn tìm cây đào Mèo thì ông bà lập tức gọi hai người thợ chuyên săn đào cổ đến chở tôi đi. Nhọc nhằn gian khổ vượt hơn 150km, vô tận các bản hẻo lánh lùng kiếm vườn đào Mèo. Càng đi càng thấy phong cảnh non nước hữu tình, núi cao trập trùng, rừng thẳm vây quanh, vực sâu với các con suối róc rách. Những cái tên lần đầu biết đến như bản Huổi Do, bản Phé, Cho Cong, Pá Hốc, bản Thẳm, Phiêng Khôm, Nà Phặng, Huổi Lặp, Hua Pư của xã Chiềng, nơi lần lượt lướt qua trong cuộc hành trình.
Công, một người dẫn đường cho tôi, cuối cùng cũng tìm thấy cây đào Mèo. Tôi mừng lắm, rất mừng khi thấy dáng một cây đào đầy trái. Đến gần quan sát, quả nào quả nấy duyên dáng be bé, đuôi nhọn hoắt, giữa trái có đường chia hai chạy dài xuống như trái tim. Lông tơ phơn phớt phủ kín trái mượt mà tựa nhung. Tuy nhiên, cây này trái còn xanh, chưa chín. Thế là chúng tôi lại lên đường.
Trái ngon, cảnh đẹp
Rong ruổi dưới cái nắng Sơn La thiêu đốt hơn 20km nữa, chúng tôi tới một bản hẻo lánh tới mức chỉ loe hoe vài mái nhà thấp lè tè. Chủ nhà đi vắng, ở đây chỉ có năm, sáu em bé đang tung tăng nô đùa.
Nơi đây, theo lời anh Công thì chính là vương quốc đào Mèo cổ xưa. Cây đào nào cũng cao vút xum xuê trái, gốc mốc xanh rêu bám đầy. Với tay hái một trái vừa chín tới da phơn phớt ửng hồng, lấm chấm đỏ. Cắn nhẹ vào trái, nước ngọt mát lịm như tuôn vô người. Cơm đào róc hạt, chính giữa đỏ au, màu đỏ huyền diệu quyến rũ khôn cùng. Ăn đào, nhai rau ráu cả chục trái liền vẫn chưa đã thèm.
Ở đây, dường như trái đào ngon hơn bởi khung cảnh hữu tình. Không khí trong lành, tiếng chim hót rít rít vang lừng. Đâu đó dưới suối, vài thanh niên bắt cá, nước trong veo phản chiếu bóng các cây đào thật nên thơ. Tôi gọi cây đào là “tiên đào”. Ăn no bụng đào chín, đào xanh đủ mùi vị thơm ngon, tôi cứ muốn ở hoài kế bên các cây đào tựa như của thần tiên này.
Nói vậy thôi, không thể ăn trái cây mãi được. Trên đường về, ghé qua một quán cơm nhìn bề ngoài khá đơn sơ nhưng đồ ăn rất ngon. Ở đây có đọt su su mới hái, luộc chấm tương Mèo ăn kèm với gà rừng luộc trộn lá chanh thơm nức mũi, lại có món canh măng rừng khiến thực khách ăn không biết ngán. Giá cho cả ba người lớn ăn trưa chỉ khoảng 200.000 đồng. Mức giá này khiến ai nấy ngạc nhiên vì quá rẻ cho cả mâm thức ăn to đùng.
Đào đang chín ở Mộc Châu
Hôm sau, tôi lại đón xe đi Mộc Châu. Không hổ danh “vương quốc của đào”, vườn đào ở đây bạt ngàn, chạy dài khắp đồi thoai thoải, phủ kín sườn núi. Chạy xe máy dọc vô các bản có thể thấy các cây đào rực đỏ trái.
Anh Nam, một người hướng dẫn ở đây, rất quen với các chủ vườn đào chở tôi dạo quanh nhiều xã ở Vân Hồ để khám phá. Ở đây, giống đào lai Pháp khá nhiều và tất nhiên, đào Mèo không dễ gì có. Tìm đỏ mắt, cuối cùng anh Nam mới đưa tôi vô được một vườn đào Mèo. Trái đào tại vườn này to, ngọt nước. Ăn thỏa thích xong, tôi mua một gùi đào với giá 20.000 đồng/1kg.
Đào Mèo ngon vậy sao lại không tìm mua được? Chủ vườn nói đào Mèo sở dĩ hiếm khi nào tới tay của người dưới xuôi do nó chỉ ăn được khi chín trên cây hoặc khi chưa chín. “Lìa cành chừng hai ngày, trái đào mềm đi thì dễ có sâu bên trong. Đó là lý do người ta không muốn trồng đào Mèo mà chỉ trồng đào lai vì có thể vận chuyển quả đi xa”, người chủ vườn này nói.
Dương Văn Minh Lộc/ sgtiepthi.vn