Thường thì từ tháng 3, lá sấu đã bắt đầu vàng nhanh và rụng rào rào. Những cơn gió xôn xao xô từng vạt lá sấu rụng dạt qua dạt lại dưới lòng đường và vỉa hè thành những thảm lá. Hà Nội có những con phố có thể gọi là “phố sấu” như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Tràng Thi, Lê Thánh Tông…. Bởi những tuyến phố này có nhiều sấu mà toàn những cây cổ thụ, to cao, sừng sững. Nhiều thế hệ người Hà Nội đã sinh ra và lớn lên cùng những kỷ niệm đẹp đẽ gắn liền với cây sấu.
Còn vào những ngày chớm hè xôn xao gió, từng tán lá sấu xanh non mơn mởn, hoa sấu nở thành từng chùm trắng xanh dịu dàng rồi rụng xuống hàng loạt và cứ đều như người ta rắc gạo ra đường vậy. Khi mà những bông hoa nhỏ xíu này rụng hết, quả sấu cứ thế lớn dần lên và những “gai cánh” trên quả cũng thưa dần qua từng ngày.
Đến tháng 5, khi mùa hè đạt độ nắng nồng thì những quả sấu cũng tròn đầy và khá nặng. Những quả chưa già lắm thì hạt trắng, mềm và nhai được cả hạt. Còn những quả già hẳn rất cứng và có màu nâu sẫm. Quả nào không chịu được gió bão thì rụng xuống đường, còn những quả kiên cường hơn thì vẫn bám trụ thành từng chùm treo lủng lẳng trên cây.
Nói không ngoa, mùa hè mà có cốc nước sấu ngâm đường thả thêm vài viên đá mát lạnh thì tỉnh người. Ngoài ra, người ta còn dùng sấu để nấu canh chua, hay làm ô mai sấu chua chua ngọt ngọt chỉ mới thoáng nghĩ thôi cũng đã ứa nước miếng ra rồi.
Thường thì mùa sấu rộ sẽ kéo dài từ tháng năm đến hết tháng tám, nhưng có khi cũng rắc rải đến hết tháng chín. Lúc này, những quả sấu còn lại trên cây là những quả sấu chín già, quả ngả màu vàng, có mùi thơm đặc trưng và hạt thì cứng đanh.
Những chùm quả ấy cứ đung đưa trong gió như khiêu khích những cô cậu học trò nhỏ. Nhiều khi không trèo lên hái được thì chúng cũng sẽ có cách để những chùm quả đang đung đưa ấy buộc phải rớt xuống. Cũng vì lẽ đó mà chỉ cần bắt gặp hình ảnh của một trái sấu thôi cũng đủ khơi gợi lại biết bao kỉ niệm tuổi thơ của mỗi người dân Hà Nội. Mùa sấu tháng năm - ngỡ xa xăm bỗng về quá thênh thang.
Lê Vân, dulichvietnam.com.vn