Tháp Mỹ Khánh bọc trong nhà kính. Ảnh: Thụy Văn
Tôi phải mất thời gian khá lâu tìm kiếm thông tin về ngôi tháp đặc biệt này. Trước hết vì cái tên tháp. Ngôi tháp phát lộ tại bờ biển thôn Mỹ Khánh nên ban đầu, tháp được gọi tên là tháp Mỹ Khánh. Sau đó, khách vãng lai thấy ngôi tháp nằm bên bờ biển xã Phú Diên nên gọi là tháp Phú Diên và định vị nó trên bản đồ với cái tên này. Hiện tại, khu vực bờ biển xã Phú Diên được gọi là bãi tắm Tháp Chàm. Và bước tới bên bãi tắm thì có biển chỉ đường vào tháp Phú Diên. Riêng việc mượn tên qua lại như vậy đã khiến việc tìm đường là một sự khó khăn, trở ngại với khách đường xa.
Điều ngạc nhiên là, dù là một di tích tháp Chăm được giới chuyên gia sử học đánh giá khá cao, có giá trị kiến trúc và lịch sử được khẳng định, nhưng khu vực tháp Mỹ Khánh rất hoang vu vì ít người lui tới. Duy nhất trong số các tháp Chăm phát lộ hiện nay trên đất nước Việt Nam, tháp Mỹ Khánh nằm dưới lòng đất, cách mặt đất khoảng từ 5m đến 7m, nằm ngay trong hàng dương chắn sóng và không xa bãi biển là bao.
Trong khi các tháp Chăm khác ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam... đều nằm trên các gò đất cao. Đây có thể là một đặc điểm độc đáo để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử bồi lắng và hình thành vùng đất Champa cổ cùng sự biến động của dải bờ biển Bắc Trung bộ qua hàng thế kỷ.
Tôi đi trên bậc thang xây bằng gạch dẫn xuống lòng một hũm đất sâu có ngôi tháp đang được bảo quản trong nhà kính. Những bậc thang trơn trượt rêu bám và hoang vu cỏ mọc vì thiếu bước chân người qua lại. Trong lòng khu đất, cỏ mọc trơ khấc với nắng mưa. Chiếc khóa trên cánh cửa nhà kính bọc lấy ngôi tháp đã hoen rỉ. Và thời gian cũng đủ để chiếc hòm kính đặt ngoài trời bắt đầu xuống cấp.
Trên một tháp thông thiên ngoài tháp chính có đặt bát nhang và đây là tín ngưỡng của người dân địa phương dành cho ngôi tháp mà bản thân họ chưa rõ nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Chỉ riêng những viên gạch đỏ màu chu sa xây theo lối thường thấy của các tháp Chăm là dính liền không mạch vữa đã ngời lên vẻ huyền bí, thiêng liêng của một di sản trăm năm.
Tháp Chăm Mỹ Khánh. Ảnh: Bảo tàng Thừa Thiên Huế
Trong chiếc nhà kính bảo quản, ngôi tháp vẫn màu gạch đỏ với cảm giác đang mòn đi từng giây, dù vách kính đã chắn hết nắng và gió biển.
Năm 2001, trong lúc đào hố khai thác khoáng sản, nhóm công nhân Công ty Khoáng sản Thừa Thiên Huế đã đào được khối gạch vùi trong lòng cát. Sau đó, Bảo tàng Thừa Thiên Huế đã thám sát di tích, khai quật và ngay khi phát lộ, tháp Mỹ Khánh khá nguyên vẹn. Tháp hình chữ nhật, không có chóp, xây bằng gạch 30x30cm, dày 6cm, trên diện tích 30m2. Chính giữa có 4 vòm cửa, 1 cửa chính có thể ra vào, còn lại là cửa giả cùng các hoa văn trang trí đặc trưng.
Việc khẳng định đây là một tháp Chăm chính từ việc phát hiện giữa tháp có một ngẫu tượng Yoni bằng đá xám đặt trên bệ gạch. Ngoài vật thể chính là ngôi tháp này, còn có khối gạch thông thiên bên ngoài có dấu vết chạm khắc vòng tròn, một số đoạn tường bao, cọc kè.
Từ những phát hiện trên, có thể khẳng định, đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa rất có giá trị về khoa học và lịch sử, kiến trúc, bởi từ kiến trúc đến hình dáng, kỹ thuật xây dựng, các họa tiết trang trí ngoài tường tháp đều mang đậm phong cách kiến trúc Ấn Độ giáo.
Từ kiến trúc, trang trí, vật liệu xây dựng và các hiện vật liên quan, các nhà chuyên môn phân tích mẫu đã kết luận, tháp Chăm Mỹ Khánh có cùng niên đại với kiến trúc Mỹ Sơn E1 sang kiến trúc tháp Hòa Lai, thuộc đầu thế kỷ thứ 8.
Năm 2001, việc phát hiện tháp Chăm Mỹ Khánh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế và ngay lập tức được xếp hạng di tích quốc gia. 4 năm sau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án trùng tu với kinh phí gần 4 tỉ đồng để gia cố nền móng chân tháp, gia cường kết cấu chống sụp đổ công trình, bảo quản vật liệu xây tháp, chống xuống cấp, tạo không gian môi trường thuận lợi cho bảo vệ, nghiên cứu và tham quan du lịch.
Như vậy, ngay từ khi phát lộ, di tích này đã dành được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn và vì vậy, cũng dành được nguồn lực đầu tư bảo tồn không hề nhỏ. Một trong những mục tiêu của đầu tư không kém phần quan trọng, đó là bảo tồn văn hóa để dành cho phát triển du lịch. Thế nhưng, hơn một thập kỷ trôi qua, tháp Chăm Mỹ Khánh dường như vẫn ngủ yên đó, dù nó đã trồi lên mặt đất.
Bãi biển Phú Diên là một bãi tắm nhỏ, sạch và thơ mộng bên hàng dương. Bãi tắm này dường như ngày nào cũng tấp nập người tới lui, chỉ có khu vực tháp Mỹ Khánh là vẫn hoang vu và không nhiều người biết đến.
Thụy Văn/ bienphong.com.vn