Rong ruổi qua “vịnh Hạ Long trên cạn”
Thung Nai là một xã nằm trên vùng lòng hồ sông Đà, thuộc huyện Cao Phong, cách TP. Hòa Bình khoảng 25 km. Khu vực này chính là chỗ sông Đà phình ra to nhất trong hành trình hơn 500 km trên đất Việt thân yêu.
Tôi đến Thung Nai lần đầu tiên trong một buổi sáng chớm Hè đầy nắng. 6h sáng xuất phát từ Hà Nội, đi theo chỉ dẫn Google Map qua Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 6. Con đường từ Hòa Bình nối lên Thung Nai uốn lượn len lỏi qua những ngôi làng yên tĩnh. Đường đi dễ dàng, nên đến Thung Nai mới chỉ 8h30 sáng.
Nhờ sự chỉ dẫn của vài người đi đường, chúng tôi nhanh chóng tìm xuống bến thuyền, nơi luôn có sẵn hai tuyến tham quan lòng hồ thủy điện. Tuyến chính kéo dài 3,5 tiếng, giá dao động 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đi qua 5 điểm chính. Tuyến phụ kéo dài 1 ngày, giá dao động 5 triệu đồng, đi qua 7 điểm. Vì thời gian có hạn, chúng tôi quyết định chọn tuyến chính với bữa trưa dùng ngay trên thuyền.
Vừa qua xuân, chớm hè, trời trong, nắng nhẹ, mặt hồ trong xanh in dáng núi non trùng điệp. Thỉnh thoảng giữa dòng lại nhô lên vài thân cây khẳng khiu nghiêng mình soi bóng. Những sườn núi hai bên trông như bức tranh ai đó vẽ vội, chỉ mới kịp phết lên đó mảng xanh sẫm không đều màu từ lá rừng. Cảm giác như mây trời, đồi núi và mặt hồ được nối liền với nhau bằng một màu xanh bất tận giữa sông nước mênh mông.
Người đồng hành cùng chúng tôi hôm nay là anh chàng người Mường 24 tuổi, tên Long, thân thiện, gần gũi. Long chở du khách lấy tiền bằng cái tình của người tiếp khách phương xa đến thăm quê mình. Không nóng lòng kết thúc hành trình ngao du như nhiều hướng dẫn viên của các hãng du lịch.
Vừa đi thuyền, vừa ngao du ngắm cảnh và trò chuyện với Long là một trải nghiệm rất thú vị. Khi được hỏi về sự thay đổi của Thung Nai sau khi nơi đây trở thành hồ chứa nước cho Thủy điện Hòa Bình, đôi mắt anh không khỏi ánh lên niềm vui và sự tự hào: “Thay đổi nhiều lắm chứ. Sông Đà sau khi tạo ra công trình thế kỷ là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trở nên lành tính hơn, quanh năm lặng lẽ bồi đắp phù sa tươi tốt, khiến cuộc sống hai bên sông cũng đỡ vất vả nhiều”.
Cũng từ khi có thủy điện, nước dâng cao đã biến nhiều ngọn núi đá sừng sững giữa đất trời Thung Nai thành những hòn đảo xanh nhấp nhô, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Thung Nai từ đó còn được ví như một “vịnh Hạ Long thu nhỏ” và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách yêu thích vẻ đẹp tự nhiên, phóng khoáng đúng chất Tây Bắc. Kéo theo đó là sự phát triển của dịch vụ lưu trú, của thuyền máy chở du khách tham quan.
Sau hơn 30 phút trôi theo sông nước êm đềm, Long cho thuyền dừng lại ở bến Thác Bờ. Chúng tôi xuống thuyền lên thăm đền thờ Bà Chúa Thác Bờ mang trong mình nhiều giai thoại và câu chuyện lịch sử.
Dân gian kể rằng, Bà Chúa Thác Bờ vốn là con gái của một tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Gặp thời đất nước loạn lạc, bà đã tập hợp các dân tộc ở đây đánh đuổi quân xâm lược và xây dựng cuộc sống ấm no, bình ổn. Bà cùng người dân lên rẫy làm nương, thả lưới đánh bắt cá, trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sóng hung dữ.
Trước đây, đoạn sông Đà chảy qua Thác Bờ rất hiểm trở, thuyền bè qua lại bị đắm nhiều. Người dân thấy thế lập đền thờ bà chúa cầu mong bà che chở, phù hộ cho những chuyến xuôi ngược sông Đà. Vì nổi tiếng linh thiêng nên ngôi đền lúc nào cũng tấp nập khách ra vào.
Ngay cạnh đền thờ là động Thác Bờ, bên trong động có rất nhiều khối thạch nhũ hình thù kỳ thú. Các khối thạch được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm. Từ cửa động tôi cũng dễ dàng ngắm nhìn toàn bộ dòng sông Đà kỳ vĩ đang ung dung cuộn chảy giữa núi non trùng điệp. Hai kiệt tác của thiên nhiên, của bà mẹ tạo hóa đứng cạnh nhau tạo nên khung cảnh xưa nay chưa từng có.
Rời khỏi động Thác Bờ, thuyền của chúng tôi dừng lại ở con suối Trạch, một bể tắm thiên nhiên lý tưởng với nguồn nước trong vắt, mát lạnh thích mê. Sau đó, Long cho thuyền neo đậu chuẩn bị bữa trưa. Bình thường, cơm trưa chỉ có đặc sản cá nướng sông Đà và ít rau cải mèo. Nếu muốn ăn thêm, du khách phải đặt trước hoặc tự chuẩn bị đồ ăn ngồi nướng luôn trên thuyền. Cũng may, trước khi rời bến, Long đã hỏi tôi có muốn bổ sung thêm vài món đặc sản người Mường vào bữa trưa không. Tôi vội gật đầu đồng ý.
Bữa cơm dọn lên có món cá nướng, gà nướng và một mẹt cỗ lá. Cá nướng sông Đà từ lâu đã được coi như một đặc sản riêng của mảnh đất xứ Mường này. Những con cá thiểu, cá trắm đen, cá măng... đánh bắt từ lòng hồ nên thịt thơm bùi, da giòn, chấm với nước mắm và ăn cùng chén rượu ngô thì vô cùng đậm đà.
Còn món cỗ lá thực chất làm từ lợn bản Mường cắp nách. Thịt thái miếng nhỏ, ướp riềng, sả, rán thơm lừng rồi chấm với hạt dổi, muối rang. Lợn được thả rông nên thịt chắc, phần nạc không bị trơ, phần mỡ không quá béo và bì thì giòn sần sật. Ngoài thịt lợn Mường, cỗ lá còn có thêm rau sống và cơm gói lá chuối. Đây cũng là một đặc sản của người dân tộc Mường vào những ngày đầu năm mới, thể hiện mong ước cho một năm ấm no, hạnh phúc.
Vừa ăn, Long vừa bộc bạch rằng, sông Đà tuy có lúc hung dữ nhưng cũng nghĩa tình lắm. Sông cũng biết con nít, người lớn cần ăn cơm mà cũng cần ăn cá nên nuôi nấng bao nhiêu là cá trắm, cá đen, tôm, cua... cho người dân đánh bắt quanh năm không bao giờ cạn kiệt.
Sau bữa cơm, nhiều người trong đoàn tranh thủ lăn ra sàn đò ngủ một giấc. Một số khác đứng ở mui thuyền hóng gió, nói đủ thứ chuyện. Tôi thì tranh thủ mượn chiếc cần của Long trổ tài câu cá, thực chất là muốn yên tĩnh một góc ngắm nhìn mặt nước xanh nhấp nhô sóng, lấp loáng phản quang sắc ngọc bích giữa trưa Hè.
Khám phá bản làng hai bên sông
Hai giờ chiều, con thuyền tiếp tục hành trình đến với những bản người Mường ven hồ ở đảo Dừa và đảo Cối Xay Gió. Đảo Dừa ẩn hiện trong màu xanh của cây cối, sông nước bao la và nhà sàn mây vờn gió núi. Không gian rất thoáng đãng, trong lành.
Trên đảo còn nhiều ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc cổ đậm chất người Mường. Một vài trong số chúng bây giờ cung cấp cả dịch vụ lưu trú cho du khách. Giá cho một gói dịch vụ đi thuyền vào đảo, ăn 2 bữa, thuyền đi tham quan chỉ khoảng 300.000 đồng/người. Không chỉ hấp dẫn ở cảnh đẹp, đảo Dừa còn làm đắm say du khách bởi văn hóa, con người đậm bản sắc truyền thống.
Ngược lại với đảo Dừa, đảo Cối Xay Gió được xây dựng theo phong cách phương Tây. Trên đảo có khu nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, thích hợp với những gia đình yêu thích du lịch nghỉ dưỡng. Khung cảnh ở đảo Cối Xay Gió khá lãng mạn. Tại đó, chúng tôi ngồi lặng lẽ bên nhau trên ban công nho nhỏ của nhà nghỉ, ngắm mặt hồ lấp lánh như dát bạc trong ánh hoàng hôn.
Từ trên cao nhìn xuống, Thung Nai tựa một bức tranh phủ màu đỏ thắm của vầng dương cuối ngày. Dòng sông Đà như ôm vào mình tất cả lóng lánh ánh vàng của vạt nắng trưa hè vừa qua. Dưới mênh mông nước kia, trước đây là những bản làng, những khe suối, những sườn núi, những rừng cây… bây giờ tất cả đã nhường chỗ cho công trình thủy điện thế kỷ, niềm tự hào của Việt Nam. Nghĩ đến đây, tôi không khỏi choáng ngợp trước sức mạnh và lòng quyết tâm của những con người bé nhỏ.
Cuộc đời đã trải qua bao nhiêu chiều hoàng hôn, nhưng chẳng hiểu vì sao hoàng hôn trên sông Đà lại khiến tôi cảm động đến thế.
Với tôi, Thung Nai là nốt nhạc trong trẻo, thanh thoát giữa lòng sông Đà hùng tráng. Luôn đem lại cho người ta những phút giây thư thái, tĩnh lặng tuyệt đối.
Chính cái vẻ hoang sơ, dân dã, mộc mạc như chẳng có nét chấm phá gì ở đây hóa ra lại có sức thu hút kỳ lạ. Một sự hòa quyện hoàn hảo của sông nước, núi non và những con người hiền hòa dễ mến. Xin hẹn dịp khác trở lại để có thêm một lần thưởng ngoạn vẻ đẹp thuần khiết, phóng khoáng của núi rừng Tây Bắc thân yêu.
Thùy Linh/Báo Đầu tư Bất động sản