Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày qua hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật đã tái hiện hệ thống nhà tù dày đặc của thực dân, đế quốc xây dựng trên đất nước ta, điển hình như Nhà tù Côn Đảo; Khám Lớn; nhà tù Sơn La; nhà tù Lao Bảo.
Hàng trăm nhân chứng lịch sử và người dân đã đến tham quan triển lãm trong ngày đầu khai mạc. Là nhân chứng tại nhà tù Phú Quốc, ông Phùng Xuân Nghị, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, kể lại: “Lúc bấy giờ tôi 17-18 tuổi. Được giao nhiệm vụ như thế tôi xác định là hy sinh. Mình cảm thấy thanh thản không có vấn đề gì, không nghĩ ngợi gì giữa cái chết và cái sống. Mình xác định sẽ là hy sinh. Những yêu sách về quyền sống trong trại giam sau đó bọn cố vấn Mỹ và cai ngục đều chấp thuận cả.”
Một hình ảnh dựng lại đòn roi tra tấn dã man trưng bày tại triển lãm
Đối với các thế hệ trẻ tham quan triển lãm, những hiện vật gây sự chú ý là những chiếc thùng phi, kìm sắt, dây thép gai để tra tấn tù nhân, hay 9 chiếc răng của đồng chí Vũ Minh Tằng (Nam Định) bị giám thị nhà tù Phú Quốc đục gãy, lá cờ Đảng và chân dung Bác Hồ của đồng chí Nguyễn Thế Nghĩa (Bắc Giang) tự làm bằng máu của mình trong nhà tù Phú Quốc; Quốc kỳ đồng chí Nguyễn Thị Tuyết làm tại nhà tù Quy Nhơn để sử dụng trong các ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Anh Lê Quang Hưng ở Phú Thọ, đến tham quan triển lãm, xúc động nói: “Tôi đến nhìn lại một khía cạnh nào đó rất nhỏ sự đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ đi trước và nhờ có sự chiến đấu kiên cường bất khuất đó thì thế hệ trẻ chúng tôi mới có bình yên như hôm nay. Tôi thực sự khâm phục thế hệ đi trước bản lĩnh, kiên cường, sự chịu đựng về cả thể xác lẫn tinh thần, để chiến đấu giành độc lập hòa bình như ngày hôm nay.”
Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam từ nay đến hết tháng 7.
Nguyên Nhung/VOV1