Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân nằm ở trung tâm khu phố cổ, là ngôi chợ sầm uất nhất và là biểu tượng của Hà Nội. Chợ được xây dựng cuối thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn. Ban đầu chợ họp ngoài trời, sau đó được xây dựng lại để trở thành ngôi chợ lớn nhất miền Bắc. Năm 1994, chợ Đồng Xuân gặp hỏa hoạn và được xây thành 3 tầng, theo kiến trúc cũ.
Chợ Đồng Xuân là trung tâm giao thương, chợ đầu mối, phân phối nhiều mặt hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường Hà Nội và các tỉnh thành khác ở miền Bắc. Trải qua nhiều biến cố, chứng kiến biết bao thăng trầm của Thăng Long – Hà Nội, chợ Đồng Xuân đã trở thành một nhân chứng lịch sử quan trọng, chứa đựng không ít những tinh hoa của nền văn hóa kinh kỳ.
Chợ Đồng Xuân, biểu tượng của Hà Nội
Chợ Long Biên
Chợ Long Biên là khu chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất Hà Nội, nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, có vị trí đắc địa trong giao thương. Chợ hoạt động chủ yếu về đêm, sau 10h, dù trời mưa hay nắng, chợ cũng tấp nập “kẻ mua, người bán”. Hàng hóa ở đây rất đa dạng, với nhiều mặt hàng nông phẩm từ Nam ra, từ các tỉnh thành khác đến và từ Trung Quốc sang. Hình ảnh náo nhiệt, nhộn nhịp về đêm chẳng biết từ bao giờ đã trở thành một nét sinh hoạt đặc trưng của Hà Nội.
Một góc chợ Long Biên, chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất Hà Nội
Chợ Hôm
Chợ Hôm nằm trên phố Huế, là một trong những ngôi chợ lớn tại Hà Nội. Trước đây, chợ chỉ họp vào buổi chiều, chỉ tập trung bán rau, cá… quy mô nhỏ. Bây giờ, chợ mở bán tất cả các ngày, từ 6h sáng đến 6h chiều. Ngày nay, chợ Hôm là thiên đường mua sắm cho các bà nội chợ: Từ rau, củ, quả, hàng gia vị… đặc biệt hải sản ở đây ngon bậc nhất vì được lựa chọn kỹ lưỡng.
Chợ Hôm - Thiên đường mua sắm của các bà nội chợ
Chợ Trời
Chợ Trời được hình thành vào năm 1954, thuộc phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Trước kia, chợ chỉ dành cho những người bán hàng cũ, lặt vặt, nhỏ lẻ trên con đường Thịnh Yên, giờ đây nó đã trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, rộng lớn ở Hà Nội. Mặt hàng buôn bán ở đây rất phong phú, đa dạng nhưng đa phần là hàng cũ, hàng gom.
Trước kia, ở đây, hàng giả, hàng thật, hàng gia công… lẫn lộn, người mua hay gặp phải những chuyện “Mua hàng thật – trao tiền giả” hay “Bán hàng giả - trao tiền thật”. Bây giờ, có những công ty thương mại, kinh doanh chất lượng nên người tiêu dùng đã có thể yên tâm khi mua hàng.
Một góc chợ Trời, Hà Nội
Vì sao chợ truyền thống vẫn tồn tại đến ngày nay?
Chức năng chính của chợ Hà Nội nói riêng và ở các vùng miền khác nói chung là mua bán. Bên cạnh đó, chợ cũng là nơi "thu thập" nhiều câu chuyện của thiên hạ, hay còn gọi là “thông tấn xã vỉa hè”. Trong lúc ế hàng, trong lúc mua hàng, người này có thể kể cho người kia về câu chuyện của mình, của hàng xóm hoặc của bất kỳ ai, thế là có biết bao câu chuyện được kể trong một buổi họp chợ. Đây như một cách giải tỏa căng thẳng của cả người bán ở chợ và người đi chợ. Đó cũng là một nét đẹp, lưu giữ những giá trị văn hóa Việt.
Ở các khu chợ, người tiêu dùng có thể mặc sức trả giá, sao cho thuận mua vừa bán, người bán có lãi mà người mua với giá vừa phải. Cùng mặt hàng đó, mẫu mã đó, ở chợ người ta có thể mua với giá bằng nửa trong siêu thi, trung tâm thương mại. Hơn nữa, cuộc sống của người dân bây giờ rất bận rộn, họ có ít thời gian để đi sắm sửa, mua đồ vì vậy những khu chợ, đặc biệt là chợ cóc sẽ là ưu tiên hàng đầu vì sự tiện lợi của nó.
Thu Trà/ anninhthudo.vn