Tường nhà Vua Mèo được xây bằng đá, bên trong ốp ván, cột, kèo làm bằng gỗ, sàn cũng lát gỗ, mái nhà lợp bằng ngói máng, riêng hàng hiên lợp ngói ống, trên ngói có trang trí hoa văn chữ Thọ. Ảnh: Thu Thảo
Ngày 23/5, trao đổi với Đất Việt, ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình vui mừng cho biết, ngày 20/5, ông đã đại diện gia tộc họ Vương người H'Mông đến UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của khu dinh thự họ Vương.
Sổ đỏ được cấp lâu dài cho 16 người là con cháu dòng họ Vương, những người thừa kế hợp pháp, đồng sở hữu khu dinh thự.
Diện tích đất được cấp sổ đỏ là 4.876 m2 bao gồm khu đất từ phía trong tường bao trở vào; mục đích sử dụng đất là đất di tích lịch sử, văn hoá.
Ông Vương Duy Bảo khẳng định, con cháu vua Mèo coi khu dinh thự là biểu tượng, thành quả của chính sách đại đoàn kết dân tộc và nhận thấy có trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị của khu di tích này, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Về vấn đề quản lý khu di tích ra sao sau khi dòng họ Vương nhận sổ đỏ khu dinh thự, cháu nội vua Mèo lưu ý một số điểm:
Thứ nhất, về thuyết minh di tích, việc thuyết minh di tích rất quan trọng, phải đáp ứng được 2 yêu cầu: đảm bảo tính chân thực của lịch sử; nêu bật được giá trị nghệ thuật của khu di tích. Tuy nhiên, theo ông Vương Duy Bảo, việc thuyết minh hiện nay không đạt được 2 yêu cầu trên.
Thứ hai, mỗi di tích đều chứa đựng trong đó 2 giá trị: giá trị vật thể và giá trị phi vật thể, do vậy, cần có sự bàn bạc, trao đổi để thống nhất về nhận thức, trên cơ sở đó thống nhất về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về di tích của tỉnh và của dòng họ Vương.
"Thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, các bảo tàng, khu di tích được bán vé thu tiền. Việc bán vé thu tiền vào khu di tích phải đảm bảo 3 mục tiêu: góp phần giảm ngân sách nhà nước trong việc chi cho công tác trùng tu, sửa chữa di tích; chi cho việc bảo vệ, chăm sóc di tích; quyền được hưởng lợi nhuận của các chủ sở hữu", ông Vương Duy Bảo nêu.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của khu dinh thự họ Vương được cấp cho 16 người là con cháu dòng họ Vương
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo cháu nội vua Mèo, nguồn thu từ việc bán vé cho khách du lịch vào tham quan khu dinh thự họ Vương do địa phương tự quản lý, con cháu nhà họ Vương không biết địa phương thu chi ra sao.
"Chính thức thu từ năm 2017, ước tính mỗi năm địa phương thu được hàng tỷ đồng từ việc bán vé vào khu di tích. Thế nhưng 12 năm qua tiền ấy được sử dụng như thế nào họ không thống kê và chúng tôi không nắm được, đó là con số bí mật.
Theo Luật Di sản, Bộ công nhận dinh thự là di tích nhưng không tước đoạt quyền sở hữu hợp pháp của những người trong gia đình họ Vương. Chúng tôi có quyền sở hữu, chiếm hữu và định đoạt, tại sao địa phương có thể thu tiền tham quan khu di tích mà chúng tôi - chủ nhân của khu di tích lại không được hưởng lợi?
Từ năm 2003, 6 hộ gia đình họ Vương chấp nhận di dời ra ngoài để phục vụ công tác trùng tu (đến nay vẫn chưa được trở lại), sống lam lũ, vất vả, nhà ở như lán trại, tại sao địa phương thu được tiền mà không hỗ trợ các hộ gia đình ấy một đồng nào?", ông Vương Duy Bảo đặt câu hỏi.
Một việc khác khiến cháu nội vua Mèo bức xúc, đó là công trình vệ sinh được xây dựng trong khu vực 2 của di tích rất phản cảm và không hề có ý kiến của Bộ VH-TT-DL. Công trình này nằm ở ngay cổng đi vào khu di tích, sát mộ người vợ ba của Vương Chí Sình, làm ô uế khu vực này, động chạm đến tâm linh, tín ngưỡng của người H'Mông.
Theo ông Vương Duy Bảo, cho đến nay, huyện Đồng Văn vẫn coi khu dinh thự họ Vương là tài sản của địa phương là một nhận thức sai lầm và việc kiểm điểm những cá nhân, đơn vị vi phạm trong việc quản lý khu di tích vẫn chưa được thực hiện.
Ngày 21/5 vừa qua, ông đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang về các vấn đề nêu trên.
Ngày 5/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy chế quản lý khu dinh thự họ Vương, thống nhất với dòng họ Vương và xin ý kiến đóng góp của các sở, ngành và UBND huyện Đồng Văn để hoàn thiện quy chế trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định. Thời gian xong trước 30/3/2019, tuy nhiên đến nay Sở vẫn chưa hoàn thành.
"Khi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, tôi đã nói rõ, đến ngày 15/6/2019 nếu vẫn chưa có quy chế quản lý khu dinh thự thì gia đình họ Vương sẽ tiếp quản lại dinh thự", ông Vương Duy Bảo cho biết.
Thành Luân, baodatviet.vn