Với nhiều người, Hồ Gươm là một cõi tâm linh, là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Người Hà Nội không ai nói "chán lên Bờ Hồ", bởi nơi đây có nhiều thứ không đâu có. Hồ Gươm càng cuốn hút khi các tuyến phố xung quanh trở thành không gian đi bộ vào mỗi dịp cuối tuần.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng là một người tâm huyết với Hồ Gươm. Ông đã dành hàng chục năm để thực hiện nhiều bộ ảnh có giá trị về Hồ Gươm. Cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm” (2011) ra mắt khi lão nghệ sĩ bước vào tuổi 80 được giới chuyên môn đánh giá là nguồn tư liệu độc đáo, vô cùng quý báu. Bởi vậy, muốn hiểu hơn về Km0 này, thật hạnh phúc khi được trò chuyện với ông.
Hồ Gươm vào ngày đi bộ rất đông người. Nhưng, khác với những ngày còn lại trong tuần, trong dòng người không còn nhìn thấy sự hối hả, gấp gáp như đang chạy đua quanh một vòng xoáy giao thông khổng lồ nữa. Dạo quanh Hồ Gươm với bầu không khí trong lành, cảm giác thật vô cùng dễ chịu.
“Tự dưng Hà Nội lại “tặng không” cho nhân dân một công viên trung tâm, như ở những thành phố nước ngoài mà tôi từng sang thăm - nơi họ có thể vào cắm trại, thư giãn, hít thở không khí trong lành mỗi dịp cuối tuần”, nhà nhiếp ảnh lão thành cười nói.
Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, nơi đây đã trở thành một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô, một không gian đẹp gắn với các di tích văn hóa lịch sử và là khu vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước. Nhiều người dân đã bắt đầu có thói quen trông ngóng đến cuối tuần để được hòa mình vào không gian này.
Giữa không gian thoáng đãng, không còn khói bụi hay tiếng còi xe, dường như ai cũng đi thật chậm để tận hưởng cảm giác yên bình và để nghe các bản nhạc du dương. Các nhóm nhạc đường phố ở đây rất đa dạng. Có thể là tiếng kèn saxophone, sáo, violon, có thể là giọng hát chèo...
Âm nhạc gắn với phố đi bộ cả ngày lẫn đêm và trở thành một phần không thể thiếu, giúp nơi đây trở nên sôi động, hấp dẫn hơn.
Bên cạnh âm nhạc, phố đi bộ còn hội tụ nhiều môn nghệ thuật đường phố khác, điển hình nhất là biểu diễn xiếc và vẽ tranh truyền thần. Ngoài thưởng thức các hoạt động nghệ thuật, người dân và du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian.
Giữa trung tâm phố đi bộ, luôn có hàng trăm người già trẻ, gái trai cùng nhau chơi trò ô ăn quan, nhảy dây, kéo co... Rất nhiều em nhỏ lần đầu tiên biết tới trò chơi ô ăn quan. Tiếng trống chiêng của đoàn múa lân, múa rồng khiến bầu không khí càng thêm rộn rã, tươi vui.
Theo lão nghệ sĩ Quang Phùng, những gì diễn ra quanh hồ Hoàn Kiếm vào những dịp cuối tuần mang nhiều nét hoài niệm. Một Hà Nội như đã xưa lắm rồi, hiện về rất rõ nét qua những quầy bán tò he, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao hay đơn giản chỉ là một vài gánh hàng rong chất đầy bánh nếp, bánh tẻ...
Từng bước, từng bước, nhà nhiếp ảnh già kể vanh vách về những du khách đặc biệt ông từng gặp tại Hồ Gươm trong dịp cuối tuần. Ông bảo, có những "ông, bà Tây" nhẩn nha tìm đủ các gánh quà vặt quanh hồ để nếm thử, thậm chí ngồi bệt hẳn xuống đường để tung bóng, nhặt que chuyền. Cũng có những vị khách nước ngoài tự nguyện cuối tuần đến đây dạy hội thoại tiếng Anh miễn phí cho trẻ em… Nơi yên bình, nơi người ta tìm đến những giá trị truyền thống có lẽ cũng là nơi họ sống với nhau thân thiện, chân thành hơn.
Trò chuyện với du khách dễ mến đến từ London, tôi được biết đã 2 tháng nay, cuối tuần nào bà cũng đến Bờ Hồ dạy tiếng Anh miễn phí cho đám trẻ. “Đơn giản là tôi rất thích Hồ Gươm. Ngồi đây, chia sẻ với các bạn nhỏ chút ngôn ngữ của mình cũng là một cách thư giãn. Và nếu có gì để nói, tôi nghĩ rằng thật tuyệt vời khi có một không gian để người giàu, người nghèo đều bình đẳng tận hưởng những phút giây thư thái an lành - điều không thể mua được bằng tiền ở những đô thị lớn” – người phụ nữ đến từ London nói.
Nghệ sĩ Quang Phùng, như bất cứ một người Hà Nội nào, luôn dành cho Hồ Gươm một tình yêu sâu nặng. Ước mong cháy bỏng của ông là giữ gìn không gian tuyệt vời của Hồ Gươm. Ông nói, trước đây, khu phố đi bộ Hồ Gươm được xem là không gian cuối tuần đáng mơ ước, nhưng hiện giờ, lượng người quá đông khiến không gian nơi đây lắm khi trở nên hỗn tạp. Và cũng cần thêm các sự kiện văn hóa hấp dẫn…
Được biết, quận Hoàn Kiếm đang xây dựng phương án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ để kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm (tại các phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên) thành một chỉnh thể nhằm giảm áp lực đông người. Hy vọng trong thời gian tới, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được quản lý chặt để ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn.
Thu Hằng/hanoimoi.com.vn