Tham dự buổi lễ có thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương cùng đại diện 7 tỉnh khu vực Tây Bắc.
Đây là hoạt động do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Sơn La tổ chức, với hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của các tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Sơn La tham gia.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc được mở đầu bằng màn hát múa “Tây Bắc vòng xòe mùa xuân”. Tiếp đó là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Tây Bắc – Sơn La hội tụ và lan tỏa”, gồm 3 chương " Sức sống"; "Hương sắc Tây Bắc" và "Bừng Sáng".
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước - là vùng phên dậu của Tổ quốc, là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện qua trang phục, qua lễ hội, qua các làn điệu dân ca dân vũ, văn hóa ẩm thực… góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Trưởng ban Chỉ đạo Ngày hội phát biểu tại lễ khai mạc
Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội lần này, thông qua các điệu múa, tái hiện các lễ hội dân gian, sự hòa tấu từ những âm thanh huyền diệu của tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn tính và những lời Then say đắm lòng người, qua không gian trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức trong lễ hội, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, tung còn, kéo co, đẩy gậy... được chính các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thể hiện sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
60 nam nữ diễn viên, nghệ nhân đã vẽ nên một bức tranh văn hóa đầy sắc màu của các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Kháng và nhiều dân tộc khác ở 7 tỉnh vùng Tây Bắc gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.
Các tiết mục đặc sắc đã chuyển tải được sắc màu văn hóa đa dạng, từ các Lễ hội, bản sắc của từng dân tộc
Tục gội đầu của người phụ nữ dân tộc Thái
Phiên chợ mới của người dân tộc Mông
Lễ cơm mới
Tiết mục tiếng chày trên sóc bombo
Tiết mục về sự phát triển với dòng thủy điện
Kết thúc chương trình biểu diễn nghệ thuật là màn múa hát thể hiên sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em, phát huy truyền thống, để mọi người cùng chú ý bảo tồn, phát huy, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay
Qua 13 lần tổ chức theo hình thức luân phiên định kỳ, Ngày hội đã thực sự trở thành hoạt động có ý nghĩa, là nơi để đồng bào các dân tộc Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, Ngày hội cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Thanh Thủy, Đắc Thanh/VOV Tây Bắc