Tới dự buổi gặp mặt có ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội, ông Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Đinh Như Hoan - Phó Tổng biên tập báo Nhân dân và Đại sứ Palestine tại Việt Nam.
Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam có ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.
Ngoài ra, buổi gặp mặt còn có sự tham gia của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam, các nghệ sĩ – phát thanh viên, đại diện gia đình các nghệ sĩ – phát thanh viên qua các thời kỳ của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Thế Kỷ phát biểu: "Chúng ta gặp mặt ở đây để kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ yêu kính của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Người sáng lập, người thầy của nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng dân tộc, một lãnh tụ cộng sản xuất sắc, nhân hậu, được nhiều người, nhiều dân tộc ngưỡng mộ, tôn vinh, một người hiền của mọi thời đại".
Ông Nguyễn Thế Kỷ phát biểu thêm: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của Văn hóa Nghệ thuật, Báo chí trong việc tuyên truyền, coi đó là vũ khí soi đường, tập hợp tác tầng lớp nhân dân làm cách mạng".
Bên cạnh ông Nguyễn Thế Kỷ, các vị khách mời cũng có thêm nhiều bài phát biểu, ca ngợi những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giải phóng dân tộc cũng như đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Kỷ tặng hoa cho các khách mời tới tham dự buổi gặp mặt
Cũng trong buổi Gặp mặt kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu 3 cuốn sách vừa xuất bản.
Cuốn đầu tiên là Bác Hồ - người có nhiều duyên nợ với báo chí của Nhà báo lão thành Phan Quang. Cuốn sách này tập hợp hơn 30 bài báo, bài viết của tác giả ghi lại những kỷ niệm trong những lần vinh dự được gặp, được phục vụ Bác Hồ và những cảm nhận về những lời dạy của Bác Hồ với báo chí Cách mạng Việt Nam do đích thân Người sáng lập.
Tiếp đến là cuốn Tiếng nói cùng năm tháng giới thiệu về nghề phát thanh viên và những giọng vàng trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong 74 năm qua.
Cuối cùng là bộ kỷ yếu Hội thảo Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm 2 tập với các tham luận rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn với những người làm báo chí, truyền thông, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Nhà báo Phan Quang đã bước sang tuổi 91 nhưng vẫn miệt mài cầm bút
Nhà báo Phan Quang chia sẻ: "Cuốn sách Bác Hồ - người có nhiều duyên nợ với báo chí tập hợp hơn 30 bài báo của tôi về Bác Hồ. Đây có thể coi là cuốn sách xuyên suốt cuộc đời tôi. Vì từ bài báo đầu tiên được đăng trong cuốn sách tới bài mới nhất cũng cách nhau 60 năm.
Cuốn sách ngoài thể hiện lòng biết ơn của tôi cũng như nhiều người khác đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là những tâm tình, những chia sẻ của tôi với đồng nghiệp. Tôi hy vọng, cuốn sách sẽ được phổ biến tới nhiều người".
Ông Nguyễn Thế Kỷ tặng cuốn sách "Tiếng nói năm tháng" cho các phát thanh viên gạo cội của Đài Tiếng nói Việt Nam
Phát thanh viên gạo cội Hà Phương bày tỏ sự biết ơn với Đài Tiếng nói Việt Nam khi cho ra đời cuốn sách Tiếng nói cùng năm tháng. Ông nói: "Cuốn sách là tâm nguyện của rất nhiều phát thanh viên từng gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là những ký ức nghề nghiệp, là tuổi trẻ hào hùng của chúng tôi. Ngoài ra, đó cũng là sự tiếc thương vô hạn với những đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi".
Theo vtc.vn