Cách thủ đô Hà Nội chừng 40 km về phía bắc có một dãy núi thấp quanh năm xanh tốt, thuộc địa bàn xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Núi không cao, chỉ khoảng 100 mét, nhưng cũng đủ để tạo ra được thế vòng cung trùng điệp, ôm lấy các làng xã, đồng ruộng dưới chân.
Trên núi có chùa Non Nước, có đền Sóc thờ Thánh Gióng, một trong 4 vị Tứ bất tử của Việt Nam, và có Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, tạo thành một quần thể du lịch tâm linh sinh thái, thu hút đông đảo các phật tử, khách hành hương và du khách gần xa.
Hiện học viện vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng đã hoàn thành được các công trình chính. Tất cả đều được thiết kế hài hòa với không gian và thiên nhiên xung quanh. Những người đi viếng thăm đền Sóc hay chùa Non Nước đều không bỏ lỡ cơ hội ghé thăm.
Những dãy nhà ký túc xá cao tầng tọa lạc giữa lưng chừng đồi thông xanh thắm được nối với giảng đường bằng những lối đi êm đềm mà hàng ngày các tăng ni sinh thường xuyên kinh hành thiền quán.
Trên lối đi có các hàng ghế do các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát tâm cung tiến. Đây là nơi nghỉ chân, ôn bài, hay chuyện trò trao đổi thêm về tiết học của các tăng ni sinh trong những giờ giải lao.
Hàng ngày, các tăng ni sinh lên lớp 2 buổi. Học viện đài thọ 100% kinh phí ăn ở và 90% học phí cho toàn bộ các tăng ni sinh đủ điều kiện nhập học.
Vừa mang vẻ thanh tĩnh, điềm đạm vốn có của chốn cửa Phật, nhưng cũng lại chứa đầy những tiếng cười vui của những sinh viên "đặc biệt" đang dùi mài kinh sách để bổ sung kiến thức, rèn luyện đức hạnh đủ khả năng đảm nhận trọng trách truyền bá Phật pháp, phục vụ lợi ích dân sinh, đạo pháp và dân tộc.
Một đoạn lối đi được lợp mái che, một bên tranh trí các chậu cây leo, một bên là những tấm biển giới thiệu về truyền thống của học viện kể từ ngày đầu thành lập năm 1981 tới nay.
Quang cảnh trong học viện có những đoạn đẹp như khu resort, là nơi tham quan, đi dạo của nhiều vị khách hành hương muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng, thanh bình. Quang cảnh êm đềm khiến cho ai cũng có cảm giác thanh thoát, nhẹ gót tiêu dao.
Vườn hoa nhỏ được các tăng ni sinh chăm chút hàng ngày. Đây cũng là một cách để các tăng ni sinh rèn luyện thân tâm.
Các vị khách đến viếng thăm không quên check-in tại góc tiểu cảnh nhỏ nhắn này. Những cây vối trồng hai bên vừa lấy cảnh, vừa lấy bóng mát, lại vừa là nguồn lá giải khát cho các tăng ni sinh và giảng sư.
Những công trình đang tiếp tục xây dựng không làm mất đi vẻ đẹp yên bình của trung tâm đào tạo Phật học lớn nhất miền bắc này.
Được xây dựng trên khu đất nằm trong quần thể "Non nước Thiền tự" dấu tích Phật giáo Thăng Long với quy mô đào tạo 1.500 - 2.000 tăng ni sinh các hệ cao đẳng, đại học và sau đại học, Học viện Phật giáo Việt Nam gồm Tòa chính điện, khu Đại, Trung, Tiểu giảng đường; khu quảng trường, khuôn viên có thể chứa hơn 2 vạn người; thư viện Phật giáo; Trung tâm Y học Tuệ Tĩnh; khu ký túc xá của tăng ni sinh. Hiện công trình vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Tổng kinh phí xây dựng ước tính khoảng 200 tỷ đồng, được tiến hành theo từng giai đoạn, dự kiến trong khoảng từ 15 - 20 năm.
Bài và ảnh: Lương Anh