Dạo quanh một vòng phố Hàng Quạt và Tô Tịch, có thể thấy giữa nhịp sống hối hả và buôn bán tấp nập, hình ảnh những người ngồi cặm cụi chạm khắc trên thớ gỗ với những con dấu nhỏ nhiều hình thù khác nhau treo bên ngoài cửa hàng.
Nghề khắc dấu gỗ tưởng chừng mai một theo thời gian nhưng nay đã mang những nét mới và trở thành món quà thủ công truyền thống.
Khi bắt tay vào việc, những người thợ dường như bỏ quên phố phường tấp nập ngoài kia vì nghề khắc dấu đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ. Những con dấu được làm bằng một loại gỗ đặc biệt, nhẹ, mịn và thấm mực.
Được biết loại gỗ dùng để làm con dấu chỉ có thể là gỗ lồng mực vốn mềm, thớ mịn dễ hút mực mà lại không tốn quá nhiều công sức cho việc tạo hình trên gỗ.
Trước đây, hình khắc chủ yếu là các kiểu chữ chiện, nhưng hiện nay đã có nhiều mẫu khắc hình khác nhau, chủ yếu phục vụ cho mục đích làm quà lưu niệm. Lác đác lại có vài khách rẽ vào cửa hàng đặt làm dấu. Khách hàng đến đây không chỉ để mua mà còn để chia sẻ sự yêu thích đối với nghề truyền thống này.
Ông Phạm Đức Trí, người làm nghề hơn 30 năm ở phố Hàng Quạt chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ. Dù công cụ chỉ có dao với đục nhưng mỗi người thợ lại có nét riêng, thể hiện trong sản phẩm mình làm ra”.
Khắc dấu thủ công là một nghề lâu đời của Hà Nội, đã có từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh họa tiết thường thấy, những con dấu ngày nay còn là món quà lưu niệm với nội dung đa dạng theo sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước, giá 70.000 - 100.000 đồng, ông Trí cho biết thêm.
Những con dấu được khắc theo những hình thù vui nhộn phù hợp cho nhiều lứa tuổi.
Bộ đồ nghề dùng để có được những con dấu thủ công gồm bút, thước để kẻ, vẽ viền, dao, đục và những tờ giấy trắng phác thảo ý tưởng của khách.
Những con dấu kiểu xưa cũ theo phong cách của người chơi thư pháp.
Ngày nay, các con dấu được sáng tạo với đủ hình dạng và kích thước.
Khách có thể chọn hình trực tiếp tại cửa hàng hoặc gửi file ảnh theo sở thích. Các hình này được người thợ in hoặc vẽ lên bề mặt rồi đo, khắc bằng tay.
Để khắc được 1 còn dấu với họa tiết đơn giản mất khoảng 30 đến 60 phút, còn những con dấu có họa tiết phức tạp hơn như hình chân dung thì mất nhiều thời gian hơn, anh Phạm Minh Thiện một người thợ làm nghề cho biết.
Vài năm gần đây, các cửa hàng còn nhận làm thêm con dấu in hình chân dung, phong cảnh với giá cao gấp bốn đến năm lần các họa tiết thông thường (khoảng 250.000 - 350.000 đồng). Vì loại dấu chân dung này đòi hỏi phải có tay nghề cao, cần nhiều thời gian để hoàn thiện nên giá sẽ đắt hơn.
Giờ không chỉ có người dân Hà Thành yêu thích các con dấu được trạm khắc thủ công, mà nhiều du khách nước ngoài cũng tới tìm hiểu về nghề làm con dấu truyền thống. Nhiều bạn trẻ còn tới mua về làm quà lưu niệm cho gia đình hoặc bạn bè mỗi khi tới đây.
Hoàng Hà/ phapluatxahoi.vn