Bảo tàng - Điểm đến hấp dẫn ở nhiều nước
Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Chia sẻ về thói quen du lịch bảo tàng, anh Joe Nguyễn (22 tuổi, du học sinh Phần Lan) cho biết: “Bảo tàng luôn nằm trong danh sách điểm đến tham quan của tôi khi đi du lịch. Nó giúp tôi hiểu thêm nhiều về văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia. Ở Phần Lan, có rất nhiều bảo tàng lịch sử tự nhiên với các cách trưng bày rất hấp dẫn và thực sự thu hút, nó khiến tôi cảm nhận như được hòa mình vào không gian văn hóa, thật tuyệt vời!”.
Ở nhiều đất nước, đi bảo tàng như một thói quen, sở thích, học tập, hay tìm kiếm cảm hứng nghệ thuật cho bản thân. Theo Beijing Evening thống kê, 40% tổng số lượng khách đến bảo tàng Cố Cung (Trung Quốc) ở độ tuổi dưới 30 và 24% là từ 30-40 tuổi, con số trên cho biết khu di tích lịch sử này đang rất hấp dẫn du khách trẻ.
Mặt khác, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan tại Mỹ đón khoảng hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm; nơi đây còn tổ chức các sự kiện đáng chú ý giúp địa điểm này trở nên hấp dẫn hơn. Năm 2018, Bảo tàng lớn nhất thế giới Lourve (Pháp) cũng thu hút 10 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước, được đánh giá là một điểm đến không thể thiếu với mỗi tour du lịch tới Pháp.
Bảo tàng ở mỗi quốc gia không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nét tinh túy của nhân loại, mà còn tạo ra những giá trị vật chất cho nền kinh tế. Báo cáo của IBIS World về ngành công nghiệp bảo tàng ở Mỹ cho thấy, doanh thu từ bảo tàng năm 2017 đạt khoảng 12 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017 là 3,4%. Số lao động trong nghành làm việc xấp xỉ 104.000 người và có gần 10.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.
Đi tiên phong trong cách sáng tạo nghệ thuật trưng bày, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam nhiều năm nay trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Đánh giá của TripAdvisor, website du lịch lớn nhất thế giới, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nằm trong top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á.
Ngoài ra, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nơi trưng bày và lưu giữ những giá trị về văn hóa của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước, là địa điểm ưa chuộng của nhiều du khách nước ngoài tới Hà Nội.
Nhìn người ngẫm ta
Nhìn lại trong nước, có thể thấy nhiều bảo tàng ở Việt Nam còn yếu trong hoạt động tổ chức, trưng bày hiện vật, chưa phát huy được vai trò thẩm mỹ, xây dựng những câu chuyện văn hóa thu hút du khách. Nhiều chuyên gia văn hóa như “đứt từng khúc ruột” khi so sánh số lượng khách tới bảo tàng với các trung tâm thương mại.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với diện tích trưng bày khoảng 3000m2.
Một phòng trưng bày tranh cho người xem cảm giác nhàm chán tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Phóng viên có mặt tại đây vào ngày cuối tuần, nhưng lượng khách tham quan còn thưa thớt, phần lớn là du khách nước ngoài. Kể đến những bảo tàng khác như: Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam… tình trạng cũng không khả quan hơn là mấy.
Chị Julie (34 tuổi), hiện đang sống tại Hàn Quốc, chia sẻ: “Người Nhật sử dụng công nghệ video để du khách dễ tham quan hơn tại Thành cổ Osaka. Mỗi tầng là mỗi trải nghiệm khác nhau, mỗi bước chân tôi đi, hệ thống màn hình sẽ hiện ra những câu chuyện khác nhau, trải qua từng thời kỳ, từng nhân vật được tái hiện rất sống động, hòa mình sống trong khoảnh khắc lịch sử, dần lôi kéo khiến người tham quan đi một vòng từ dưới lên trên đỉnh tòa tháp là có thể thuộc hết lịch sử”.
Đối chiếu với trong nước, các bảo tàng ở Việt Nam đang có cách xây dựng nội dung còn khá truyền thống, gò bó trong khuôn khổ. Hàng nghìn cổ vật lịch sử phong phú, đồ sộ chỉ thể hiện qua những chú thích đơn điệu. Ví dụ như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, những pho tượng, tác phẩm tranh sơn dầu độc đáo, nhưng khi tham quan xong chỉ đọng lại… những cái tên, nếu không có người thuyết minh thì hầu như không thể hiểu được những hiện vật này có ý nghĩa gì.
Cùng tình trạng này tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, dù có rất nhiều con vật quý hiếm như voọc, trĩ đỏ, hải sâm… nhưng du khách khó có thể lưu lại ấn tượng gì về hình hài, tập quán sinh sống, cách kiếm ăn của những con vật này cũng như câu chuyện gắn với chúng.
Hiệu ứng ánh sáng là một yếu tố quan trọng. Khi có mặt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một du khách nước ngoài đã đánh giá “không gian nơi sáng quá, nơi tối quá, màu sắc đơn điệu”. Không ít du khách đánh giá, đa số các bảo tàng Việt Nam đều sử dụng tông màu sáng, nhã nhặn na ná nhau nên chưa có điểm nhấn rõ ràng.
Trước đây, dư luận từng xôn xao với Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với kinh phí dự đoán lên tới hơn 11.000 tỉ đồng, nhưng nay vẫn bỏ ngỏ. Trong khi đó, Bảo tàng Hà Nội khai trương năm 2010, đến nay cũng gần như trong trạng thái “đắp chiếu”, “tạm ngưng trưng bày”. Phải chăng các bảo tàng đang bị “bó chặt” trong một khuôn mẫu không gian trưng bày, và các lãnh đạo ban ngành còn “ngần ngại” để thay đổi?
Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch bảo tàng của Việt Nam muốn phát triển cần nâng cao nhận thức và thẩm mỹ của người dân; đặc biệt trong khâu tổ chức và quản lý du lịch, cần có sự chỉ đạo, phối hợp từ các cơ quan quản lý nhà nước, cùng với đội ngũ chuyên gia để có thể “tiếp thêm sức sống” cho loại hình du lịch bảo tàng, xây dựng nền du lịch văn minh, lành mạnh.
Phạm Dương, theo baophapluat.vn