Ngày 30 Tết, gia đình bà La Thị Hồng tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên, tiễn năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên cùng về ăn Tết. Khắp thôn Chang Nà, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, bếp lửa nhà nào cũng nồng đượm, khói lam phảng phất quyện mái ngói âm dương, nhà trên nhà dưới rộn ràng tiếng trẻ ríu rít.
Từ sáng sớm, anh con trai út của bà Hồng đã cùng trai bản vào rừng tìm cây nêu “mạy làng”, cây tre thẳng đẹp có lá tỏa sum suê về quét nhà. Nhà sạch sẽ, cây nêu dựng trước sân. Vợ chồng anh con trai cả thì dọn dẹp, đánh rửa bàn ghế bóng loáng.
Những tờ giấy đỏ tươi vuông vắn được dán lên bàn thờ, cửa chính, cây cối... cả ngôi nhà như khoác tấm áo mới rực rỡ. Ở góc nhà, chiếc cuốc, chiếc cày, bồ thóc dựng gọn gàng, “niêm phong” bằng vuông giấy đỏ, cũng nghỉ ngơi ăn Tết cùng con người.
Cẩn thận đặt “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ” lên ban thờ, bà Hồng bảo, mâm cỗ thiếu gì chứ không thể thiếu bánh chưng. Từ những ngày 25, 26, cả nhà cùng rửa lá, gói bánh bằng gạo nếp, thịt lợn, lá cơm lông, gói cả những chiếc bánh coóc mò nhỏ xinh để trẻ con ăn trước. Ngoài bánh chưng dài, “bánh bố” và “bánh mẹ” nhân trứng gà, nhân cá phải do người lớn có kinh nghiệm làm.
Sáng Mùng Một, cả nhà dậy sớm mang cành hoa dâu, xôi vàng đi lấy nước đầu năm
Chiều 30 Tết, mọi người trong nhà đều tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun lá đa rồi cùng ăn tất niên. Sau bữa cơm, quây quần cùng các cháu bên bếp lửa, ông Lương Thiêm Phú vừa kể chuyện vừa tỉ mẩn gọt cành dâu thành những tầng hoa bông trắng, chuẩn bị cho lễ lấy nước ngày hôm sau.
Trước thời khắc giao thừa điểm, ai ai cũng mau chóng quay trở về nhà để sáng Mùng Một dậy sớm, làm xôi nhuộm quả dành dành màu vàng tươi, mang bánh coóc mò ra treo ở cửa, mời những linh hồn lang thang cùng ăn Tết.
Người lớn tuổi khấn lấy nước, con cháu buộc dây vào đá tượng trưng cho trâu bò dắt về nhà
Xong xuôi, cả gia đình cùng xuất hành đi lấy nước - nghi lễ quan trọng nhất của người Tày. Chọn những nơi suối đầu nguồn mát lành, nước chảy róc rách, ông Phú cắm cành hoa dâu, vàng hương, xôi vàng rồi khấn “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”.
Trong khi ấy, con trai, con dâu sẽ lấy vỏ cây dâu buộc vào những hòn đá nhỏ, tượng trưng cho trâu bò để dắt về nhà, tung vào chuồng gia súc
Theo quan niêm của người Tày, nước lấy về chủ yếu để rửa mặt, cho sạch sẽ để sang năm mạnh khỏe. "Trâu bò" dắt về đến nhà sẽ hỏi: ông bà ơi, bố mẹ ơi ở nhà có lấy trâu bò của cải không. Các cụ trả lời: "Các cháu cứ dắt về, có bao nhiêu gà vịt ngan ngỗng trâu bò cứ mang về để gia đình phát triển, con người được mạnh khỏe".
Mâm cơm cúng của ngày đầu năm sẽ dành riêng cho cha, mẹ của gia chủ, có thể là mía, đường, các loại bánh chay hoặc thịt, nhưng chỉ ăn mặn sau 12 giờ trưa. Mùng Một người Tày kiêng không đến nhà người khác, không sát sinh, kiêng tiếng khóc, kiêng đổ nước từ trên cao xuống. Sang Mùng Hai – “pây tái” lại là ngày dành riêng cho nhà ngoại.
Chị La Thị Lành, con dâu mới trong nhà kể, từ khi lập gia đình, bố mẹ chồng luôn dặn dò, chỉ bảo chu đáo phong tục ngày Tết. "Mùng 2 tôi chuẩn bị gà trống thiến, bánh chưng do gia đình tự gói, bao lì xì bánh trái hoa quả để đến nhà bố mẹ đẻ và các anh em họ hàng khác chơi. Chúng tôi quan niệm dịp tết là để báo hiếu bố mẹ, những người đã sinh thành ra mình, dịp để tình cảm anh em thêm gắn kết hơn. Ai cũng chung tâm trạng vui mừng phấn khởi khi mà được gặp gỡ nhau đầu năm. "
Những bữa cơm sum họp gia đình rộn ràng trong tiếng then, lời chúc rộn ràng
Gian nhà đầy ắp những lời chúc hạnh phúc, ông Lương Thiêm Phú bảo, mặc dù cuộc sống hàng ngày giờ đây đã hiện đại, nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt dân tộc của người Tày vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Không chỉ ở Chang Nà, Tình Húc mà cả vùng đất Bình Liêu này, các ông bà phải là người kể chuyện, để con cháu dù có đi xa cũng biết, cũng nhớ về quê hương với những điều ý nghĩa, tốt đẹp.
Ngoài kia, bên rừng hồi rừng quế ngát hương, những chàng trai cô gái Tày nô nức đi chơi xuân, lày cỏ, cừ cáy, cừ pộc... xúng xính áo chàm khăn tím, cất lên điệu then trong trẻo, cầu chúc cho mùa màng tốt tươi, con người được bình an, may mắn. Mưa xuân lất phất, lời ước mong bình dị của những người con núi rừng Đông Bắc ngân xa, theo tiếng đàn tính réo rắt bay lên đỉnh Cao Ba Lanh ngút ngàn./.
Trường Giang/VOV Đông Bắc