Đây sẽ là một sự kiện văn hóa tổng hòa bao gồm thiết kế không gian vô cùng độc đáo, công phu với các cảnh tái hiện về làng xưa, chợ quê, nhà cổ. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ lồng ghép phối cảnh hoàng cung xưa để du khách có cơ hội tham quan triển lãm, chụp hình từ dân gian cổ truyền đến khung cảnh và trang phục Vua Chúa hoàng cung xưa, nhằm ghi dấu một cột mốc đáng nhớ của năm Kỷ Hợi.
Theo đó, trong ngày đầu tiên (6/3), chương trình diễn ra lễ tái hiện nghi thức và rước Tứ Trấn linh thiêng về Hoàng thành Thăng Long làm đại lễ cầu quốc thái dân an, đất nước hưng thịnh, phát triển và lễ tri ân, báo công. Festival khai mạc với những tiết mục nghệ thuật độc đáo của Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, UNESCO phối hợp với chương trình múa rối tác phẩm "Hồn quê" của đạo diễn, NSND Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL.
Trong 4 ngày còn lại là những tiêu đề tác phẩm mang câu chuyện hấp dẫn từ các đạo diễn gạo cội và các diễn viên, người mẫu, đạo cụ dân gian, trình diễn trang phục truyền thống của các nhà thiết kế đình đám về trang phục áo dài cổ trang, áo dài truyền thống của nhà thiết kế Sen.
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có tổ chức Hội thảo và tọa đàm về bảo vệ thương hiệu, phát triển doanh nghiệp, văn hóa phong thủy, nghi lễ thờ cúng, nghi lễ đạo Tiên (con rồng cháu tiên) người Việt, nghi thức chầu văn, hầu đồng và ghi danh những đóng góp và cống hiến của các nghệ sĩ lưu truyền giá trị văn hóa linh thiêng của người Việt...
Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh và khẳng định những tinh hoa văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, lễ hội cũng nhằm lưu giữ, tái hiện hình ảnh văn hóa xưa tới giới trẻ, học sinh, sinh viên để nhắc nhở "Những tinh hoa cũ tạo nên những giá trị mới". Đồng thời, đây cũng là dịp đầu năm du xuân và làm lễ tri ân – báo công "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Uống nước nhớ nguồn".
Phạm Dương, theo Toquoc