Phố đi bộ rộn ràng nhạc trẻ
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trong hai ngày cuối tuần, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ có 3 sân khấu biểu diễn phục vụ người dân và du khách. Vào 20h ngày 18/1/2020, tại vườn hoa - tượng đài Lý Thái Tổ, Đoàn Quân nhạc Bộ Công an sẽ biểu diễn chương trình mừng Đảng, mừng Xuân với nhiều tác phẩm âm nhạc về mùa xuân, đất nước.
Tại phố Đinh Tiên Hoàng và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hai sân khấu nhạc trẻ của các đơn vị xã hội hóa sẽ được thực hiện vào tối 19/1/2020. Tại đây, công chúng sẽ được thưởng thức chương trình đại nhạc hội với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, thể hiện các ca khúc tươi vui, rộn ràng về tình yêu và đất nước.
Khai mạc hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Hội chữ Xuân 2020 sẽ khai mạc vào ngày 18/1/2020 tại khu Hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Năm nay, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 có chủ đề “Thành Đức” với sự tham gia của 52 “ông đồ”, là những nhà nghiên cứu, viết thư pháp đã vượt qua kì khảo tuyển của Ban tổ chức. Ngoài ra, hội chữ còn có sự tham gia của các khách mời là thành viên Ban khảo tuyển và các nhà thư pháp nổi tiếng, như: Cung Khắc Lược, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu… cùng chủ nhiệm các câu lạc bộ thư pháp uy tín.
Bên cạnh hoạt động xin và cho chữ đầu xuân, Hội chữ Xuân 2020 còn có hoạt động triển lãm thư pháp với chủ đề “Thánh đức”, trưng bày hơn 50 tác phẩm thư pháp chữ Hán nôm và chữ Quốc ngữ. Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 kết thúc vào ngày 5/2/2020 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Canh Tý 2020).
Bắt đầu chuỗi hoạt động “Tết Phố” ở phố cổ Hà Nội
Chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề “Tết Phố” bắt đầu từ ngày 17/1 đến ngày 9/2/2020. Đến với phố cổ dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động: Sắp mâm lễ của các gia đình dòng họ Hà Nội; tái hiện đoàn rước lễ từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây sang đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc trong trang phục truyền thống; lễ cáo yết Thành hoàng; lễ giới thiệu và dựng “Cây Nêu” trong dịp Tết truyền thống; hoạt động diễn xướng dân gian: Hát, múa cửa đình (Hải Phòng), hát xoan (Phú Thọ), múa bồng (Triều Khúc, Hà Nội), hát chèo, hát Văn…
Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra không gian trưng bày giới thiệu hình tượng chuột trong văn hóa dân gian, biểu diễn âm nhạc truyền thống. Ngoài ra, từ ngày 25 đến 28/1/2020 (tức ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết Canh Tý), tại đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, đền Quan Đế sẽ biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống nhân dịp Tết Canh Tý.
Tại không gian nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng và chợ hoa Tết phố Hàng Lược được trang hoàng và giới thiệu, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ Tết như: Tranh dân gian, con giống đất, nghề mây tre đan, nghề gốm, nghề gỗ mỹ nghệ, điêu khắc, thư pháp…
Trải nghiệm “Tết Việt” tại Hoàng thành Thăng Long
Từ ngày 17/1/2020, chuỗi hoạt động trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân bắt đầu diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, người dân và du khách được chứng kiến những nghi lễ cổ truyền của văn hóa dân tộc như: Dựng cây nêu, lễ dâng hương khai xuân; không gian trưng bày các câu đối ngày Tết… Ngoài ra, công chúng và du khách được trải nghiệm không gian chợ Tết qua các trò vui dân gian: Viết câu đối, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he…
Tại khu vực điện Kính Thiên, Ban tổ chức còn trưng bày hai chuyên đề: “Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng - vương triều, uy quyền”. Dịp này, Hoàng thành Thăng Long được trang trí nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ. Chương trình sẽ kéo dài đến hết ngày 2/2 (tức mùng 9 tháng Giêng Canh Tý).
Vui chơi truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình trải nghiệm Tết Việt cùng nghệ nhân vào sáng ngày 17/1/2020. Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân đến từ Thái Bình. Tại đây, người dân và du khách sẽ được giao lưu với các nghệ nhân Thái Bình thông qua một số hoạt động trình diễn như: Chèo cổ, ông Đùng bà Đà, pháo đất, gói bánh chưng, tìm hiểu di sản văn hóa Thái Bình qua tô vẽ.
Bên cạnh đó, du khách có cơ hội tìm hiểu ý nghĩa ngày Tết qua tục dựng cây nêu, xin chữ đầu năm, in tranh Đông Hồ, nặn tò he và tô vẽ tranh 12 con giáp qua giới thiệu của nghệ nhân đến từ Bắc Ninh, Hà Nội.
Ngoài ra, khách tham quan còn được chơi trò chơi ngày Tết của một số dân tộc như: Đánh đu, kéo co, bắt chạch trong chum, đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao bố, ném pao, tung còn…
Các hoạt động vui đón Tết này sẽ kéo dài liên tục từ nay cho đến hết Tết, tạo không gian vui chơi cho người dân và du khách trong dịp đón Tết cổ truyền.
Theo hanoimoi.com.vn