Gia đình ông Trần Văn Phước (ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã trải qua 3 đời làm nghề đan lờ. Theo lời ông Phước, từ xa xưa người dân đã biết dùng các loại tre, trúc có sẵn vót thành nan đan lờ, làm lợp để bắt các loại cá đồng nhằm phục vụ bữa ăn gia đình.
Nhiều năm gần đây, mới bắt đầu có những hộ dân chuyên làm lờ, làm lợp trao đổi, buôn bán. Từ nhu cầu thị trường, thương lái các tỉnh thành khác cũng về đặt mua nên đan lờ dần trở thành nghề kiếm sống của một bộ phận người dân địa phương
“Nghề đan lờ phát triển mạnh khoảng mấy chục năm rồi. Ở ấp 7, xã Khánh Bình Tây mình là làm nhiều nhất. Ngày trước lờ làm bằng tre không hà rồi dần phát triển lên, chuyển qua làm bằng lưới, làm nhàn hơn mà bắt được hiệu quả hơn” - ông Trần Văn Phước cho biết.
Trước đây, sản phẩm lờ, lợp được bà con làm ra hoàn toàn từ chất liệu tre, độ kín hạn chế nên chỉ đánh bắt được các loại cá cỡ lớn như cá lóc, trê, sặc bổi. Theo thời gian, nghề làm lờ, làm lộp được người dân nghiên cứu, rút kinh nghiệm và cải tiến về chất liệu, kỹ thuật, kiểu dáng cho phù hợp. Từ đó giúp tăng nhanh năng suất và đảm bảo khai thác hiệu quả hơn.
Toàn huyện Trần Văn Thời đang có khoảng 30 hộ làm nghề đan lờ, tập trung nhiều nhất tại xã Khánh Bình Đông. Cũng nhờ nằm trong vùng rốn cá đồng của tỉnh, đặc biệt, nguồn lợi cá đồng tự nhiên vẫn còn khá phong phú nên những hộ dân gắn bó vẫn sống được với nghề.
Sản phẩm bà con làm ra ngoài được thương lái phân phối trong tỉnh còn được đưa đi các tỉnh khác tiêu thụ. Nghề làm lờ, lợp bắt cá đồng giúp người dân có thêm nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.
Chị Trần Thị Vũ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Làm lờ cũng đỡ, giúp cho cuộc sống gia đình ổn định, có tiền nuôi con ăn học. Làm khoảng 20 năm nay rồi, làm lờ mới có tiền chi tiêu, mua sắm trong gia đình. Ruộng chỉ có mấy công, nếu không làm nghề lờ là gia đình cực lắm. Quen rồi, không làm lờ buồn dữ lắm”
Ngoài làm lờ đặt cá đồng, nhiều hộ dân làm nghề truyền thống ở huyện Trần Văn Thời còn đang thực hiện sản xuất thêm lờ đặt cua đáp ứng nhu cầu khai thác đánh bắt của người dân địa phương và tăng hiệu quả kinh tế gia đình.
Trần Hiếu/ VOV ĐBSCL