Sự thanh bình của Thành phố Hà Nội
Sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Thủ đô Hà Nội đã và đang không ngừng xây dựng, phát triển để phát huy giá trị danh hiệu này.
Theo đại diện UNESCO, các thành phố đạt giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” phải là thành phố có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực như: Thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái. Và Hà Nội đã và đang làm được điều đó.
“Tôi cho rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương. Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và thị hiếu để trải nghiệm. Điều đó đúng, nhưng điều này phải được đặt trong bối cảnh văn hóa hòa bình sẽ là một điều rất đặc biệt”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá.
Đúng 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa binh”, vào ngày 27 - 28/2 tới đây tại Thủ đô Hà Nội, “Thành phố vì hòa bình” sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Đây được xem là Hội nghị "vì hòa bình" mở ra cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Hà Nội sẽ là nơi diễn ra Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2
Nhân kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, UNESCO hợp tác bảo tồn di sản, trong đó có Đường Lâm và Hoàng Thành Thăng Long, đồng thời đề xuất Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo ông Michael Croft, dù Hà Nội tự hào về quá khứ truyền thống nhưng UNESCO tin rằng thành phố Hà Nội có đủ điều kiện để trở thành trung tâm của sự sáng tạo. Do đó, UNESCO mong muốn tiếp tục hợp tác với thành phố Hà Nội không chỉ để bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho một thời đại mới. Đây là cách để Hà Nội duy trì sự tăng trưởng bền vững, thu hút nhân tài cho thành phố, cung cấp việc làm cho thanh niên và thiết lập Hà Nội như một thủ đô sáng tạo.
Ngày 16/7/1999 tại La Paz - Thủ đô Bolivia, Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Thời điểm đó, Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này. |
Phạm Hằng (theo baotintuc.vn)