Bức tranh tổng thể về địa giới hành chính thủ đô qua các thời kỳ |
Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” giới thiệu 88 tài liệu, tư liệu lưu trữ và hình ảnh thủ đô theo 3 giai đoạn: Địa giới hành chính thành phố Hà Nội thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; Địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ năm 1945 đến năm 1954; Địa giới hành chính thành phố Hà Nội từ sau năm 1954.
Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1873 (bên trái) tỉ lệ xấp xỉ 1/12.500, kích thước gốc 59 x 64 cm, kèm theo thuyết minh do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản tháng 12/1916
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đã tiến hành đợt cải cách hành chính lớn nhất kể từ khi ra đời chế độ Phong kiến Việt Nam. Nhà vua xóa bỏ Bắc Thành (gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc) ở miền Bắc, lập tỉnh Hà Nội. Tính đến năm 1945, diện tích thành phố Hà Nội rộng khoảng 150 km2. Vào thời gian này, Hà Nội phía Bắc giáp huyện Đông Anh (Phúc Yên), phía Đông giáp huyện Gia Lâm (Bắc Ninh), phía Tây giáp huyện Hoài Đức, Đan Phượng, thị xã Hà Đông và phía Nam giáp huyện Thanh Oai, Thanh Trì (Hà Đông).
Bản đồ Đại lý Hoàn Long (bên phải) theo Dụ ngày 11/7/1942 và địa giới dự định mở rộng năm 1951, thiết lập bằng tài liệu của Sở Địa chính Bắc Việt. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám (1945), thực dân Pháp chia Hà Nội làm hai vùng là nội thành và ngoại thành. Vùng trung tâm Hà Nội gồm 8 tiểu khu, vùng ngoại thành gồm 9 tổng, 36 xã
Trong những năm 1954 - 2010, Hà Nội có bốn lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính vào các năm: 1961, 1978, 1991 và 2008. Trong đó, năm 1961 và 1978 là mở rộng, năm 1991 là thu hẹp và năm 2008 lại được mở rộng với quy mô lớn hơn nhiều như hiện nay.
Bản đồ thành phố năm 1979. Đây là năm Chính phủ ra quyết định về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì
Các tài liệu trưng bày gồm: Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng thành phố Hà Nội năm 1961, Biên bản cuộc họp giữa đại biểu Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội về việc bàn giao và tiếp nhận các xã của các tỉnh vào ngoại thành Hà Nội năm 1961
Những lần điều chỉnh địa giới hành chính đó có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển mới, ngày càng xứng đáng với tầm vóc là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và giao lưu quốc tế của cả nước.
Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) công nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" cho Thủ đô Hà Nội ngày 16/07/1999
Thu hút đông đảo người dân và giới chuyên gia |
Có mặt tại lễ khai mạc triển lãm "Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ", KTS Vũ Hoài Đức, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chia sẻ, những tài liệu được giới thiệu tại triển lãm lần này không chỉ hữu ích với giới nghiên cứu mà còn giúp người dân hiểu hơn về thủ đô qua từng giai đoạn phát triển.
“Theo tôi được biết, đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức một triển lãm chuyên đề về địa giới hành chính cho công chúng, trước đó đã từng có những triển lãm về kiến trúc, đô thị, quy hoạch… Các tài liệu, tư liệu được trưng bày ở đây về cơ bản đều mang tính chính thống. Các lần điều chỉnh địa giới hành chính đều kèm theo các văn bản hành chính, các quyết định… đặc biệt sau thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945.
Đáng chú ý là triển lãm cũng trưng bày những tư liệu mà rất ít người để ý đến, đó là những tài liệu về địa giới hành chính Hà Nội thời kỳ thủ đô tạm chiếm những năm 1945-1954 cũng đã được công bố, để người dân hiểu được trong bối cảnh kháng chiến, địa giới hành chính thủ đô ra sao, cách thức quản lý như thế nào..." - KTS Vũ Hoài Đức cho biết.
KTS Vũ Hoài Đức, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội
KTS Vũ Hoài Đức tự hào khẳng định rằng, dù trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, Hà Nội vẫn là một trong những đô thị đẹp nhất Châu Á.
"Lịch sử thủ đô có lúc suy, lúc thịnh. Chẳng hạn, thời phong kiến, Hà Nội từng trải qua 80 năm là một tỉnh trong 30 tỉnh trên cả nước vào thời điểm triều đình nhà Nguyễn quyết định chọn Phú Xuân là thủ đô. Có thể nói rằng, đó là lúc Hà Nội không còn được hưng thịnh như thưở trước. Nhưng sau đó là những bước phát triển ngoạn mục kể từ khi trở lại vị trí thủ đô của Hà Nội.
Với những người làm về quy hoạch như tôi, Hà Nội những năm 1954 và kéo dài đến những năm 1990, khu trung tâm Hà Nội gồm khu phố cổ, phố cũ, hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, Ba Đình… là một trung tâm lịch sử đẹp huy hoàng trong các thủ đô Châu Á và đặc biệt là ở những đất nước đã từng trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh. Đối với cá nhân tôi, đó là đô thị đẹp nhất” - KTS Vũ Hoài Đức khẳng định.
KTS Vũ Hoài Đức và TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (bên phải)
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch đô thị và hy vọng Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu hướng tới là một đô thị thông minh, sáng tạo.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm giới thiệu về các giai đoạn phát triển của thủ đô qua các tài liệu lưu trữ
"Ngay từ cách mạng 1945, Chính phủ cách mạng lâm thời đã thành lập một ủy ban kiến thiết gồm 41 người trực thuộc chính phủ. Lúc đó, ngay tại buổi họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, quy hoạch là một công việc quan trọng luôn phải đi trước một bước. Phải có quy hoạch để tránh lãng phí, phải có quy hoạch để xác định tầm nhìn và phải có quy hoạch để người dân biết và tham gia đóng góp.
"Chúng ta xây dựng Hà Nội không phải chỉ xanh mà còn văn hiến và hiện đại. Trong suốt 65 năm qua, chúng ta đã thấy Hà Nội từng bước nhận diện rất rõ ràng giá trị di sản. Chẳng hạn, hiện nay đã có gần 6000 di tích đã được nhận diện, có những khu đặc trưng đã được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long, có những khu là di tích quốc gia: khu phố cổ, khu phố cũ...
Hiện nay, trong xu thế phát triển chung của thế giới, từ những năm 1990, thế giới đã đặt ra vấn đề phát triển đô thị bền vững: đô thị sinh thái, đô thị xanh... và gần đây là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Với vị thế của Hà Nội hiện nay, chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Đây là những bước đi không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra mà đã đặt ra nhiều năm trước" - TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Anh Dương Ngọc Tuấn hiện đang sống và làm việc tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết: "Triển lãm đã mang lại cho tôi cái nhìn khái quát về lịch sử của thủ đô qua từng thời kỳ để thêm hiểu và yêu Hà Nội. Cá nhân tôi thấy rằng từ khi đổi mới, đất nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tôi hy vọng Hà Nội sẽ có những bước phát triển ngoạn mục thời gian tới."
Nếu quan tâm đến lịch sử phát triển của thủ đô Hà Nội, các bạn đừng bỏ lỡ triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Triển lãm kéo dài đến ngày 15/10 tới.
Anh Vũ - Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey