Ngày 15/1, hội thảo Phim như một Di sản Văn hóa đã diễn ra tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội. Sự kiện do Hội đồng Anh phối hợp với Viện phim Việt Nam tổ chức, nhằm quảng bá giá trị văn hóa xã hội của việc lưu trữ phim và các tư liệu hình ảnh, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức và chuyên gia trao đổi kinh nghiệm về lưu trữ phim ảnh.
Phim, video và các tư liệu hình ảnh có thể trở thành một “cỗ máy thời gian”, cho người xem cơ hội để nhìn lại các ký ức và tái hiện quá khứ trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận Phim như một Di sản Văn hoá. Đó là thông điệp mà các diễn giả muốn truyền tải tại hội thảo này.
Tại hội thảo, nhà báo, nhà nghiên cứu điện ảnh độc lập Lê Hồng Lâm đã giúp khán giả nhìn lại biên niên sử của Việt Nam qua điện ảnh, theo 4 giai đoạn: Trước năm 1945, Chiến tranh Việt Nam 1945-1975, Hậu chiến 1980 -2000, và Giai đoạn bao cấp và kinh tế thị trường từ những năm 2000 tới nay.
Các chuyên gia nước ngoài cũng chia sẻ những kinh nghiệm và góc nhìn mới về tương lai của việc lưu trữ phim ảnh, đặc biệt khi thế giới đang bước vào cuộc Cách Mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi những thay đổi trong công tác lưu trữ hình ảnh.
Bà Shona Thomson, Nhà Sáng lập và Điều hành Tổ chức “A Kind of Seeing”, Vương quốc Anh chia sẻ rằng, “Các kho tư liệu của chúng tôi có từ những năm 189s cho tới nay, chủ yếu là những bộ phim tài liệu, của các chuyên gia, nhà làm phim không chuyên, các phim gia đình. Nhờ vậy, chúng tôi có một bức chân dung rất đẹp và đầy đủ về con người, đất nước mình. Và tôi đang rất hào hứng được tìm hiểu thêm về Việt Nam qua những thước phim.”
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, khởi động từ tháng 4/2018 và kéo dài trong hai năm, nhằm kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó. Dự án này đặc biệt chú trọng tới các di sản nhạc và phim của Việt Nam đang nguy cơ mai một./.
Lan Hương