“Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III” mở màn với những tiết mục ca nhạc đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, đã gây ấn tượng mạnh với các vị khách quốc tế.
“Bài ca Thần Chim Lạc” của nhạc sỹ Phó Đức Phương do Minh Thư thể hiện đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả
Tiết mục “Dòng kênh trong” của các nghệ sỹ thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mang âm hưởng dân tộc
Vũ điệu cồng chiêng, sôi động, khỏe khoắn, tái hiện khung cảnh núi rừng Tây Nguyên đại ngàn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ vui mừng nhận thấy, trong xu hướng hội nhập ngày nay, ngày càng đông bạn bè quốc tế đến Việt Nam bằng con đường du lịch, thương mại và các hoạt động thiện nguyện khác, qua đó tiếp xúc với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế quan tâm tới văn học nghệ thuật Việt Nam, để tiếp cận, khám phá “bản chất, đặc thù, và chiều sâu của văn hóa Việt”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị
Nhân dịp này, Hội nhà văn Việt Nam ra mắt bạn bè quốc tế 4 ấn phẩm: Khái quát Mười thế kỷ văn học Việt Nam, tuyển thơ hiện đại “Sông núi trên vai”, tuyển tập truyện ngắn “Một loài chim trên sóng” và chuyên đề “Nhà văn và tác phẩm”.
Có tới hơn 200 đại biểu nước ngoài tham dự sự kiện này. Điều này thể hiện sự quan tâm của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu quốc tế… đối với văn học Việt Nam. Tuy nhiên, theo các đại biểu, trong những năm qua, dù có nhiều cố gắng để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhưng sự hiện diện của văn học Việt Nam trên thế giới vẫn còn rất khiêm tốn.
Nhà văn, Dịch giả Lê Bá Thự trả lời phỏng vấn Vietnam Journey
Bàn về giải pháp tăng cường quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, Nhà văn, Dịch giả Lê Bá Thự cho biết: “Để đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, cần thúc đẩy 3 lực lượng, thứ nhất là các dịch giả văn học ở trong nước, thứ hai là những người Việt Nam đang học tập sinh sống, định cư, kiều bào ở nước ngoài, thứ ba là những người nước ngoài biết tiếng Việt thông thạo tiếng Việt và yêu mến văn học Việt Nam, có nguyện vọng đưa các giá trị của văn học Việt Nam tới các bạn đọc ở nhiều nước trên thế giới.”
Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của thế giới tham gia sự kiện đã khẳng định sự quan tâm lớn tới Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà thơ nổi tiếng của Venezuela Gustavo Pereira
Nhà thơ Gustavo Pereira, từng là Bộ trưởng văn hóa Venezuela và hiện nay là Tổng giám đốc một trong những kênh truyền hình lớn nhất Venezuela cho biết: "Tôi muốn gửi tới một thông điệp rằng, Venezuela luôn sát cánh với Việt Nam, và cảm thấy vinh dự được là những người bạn chiến đấu trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Với thi ca cũng vậy, Venezuela luôn đồng lòng sát cánh, giao lưu, hợp tác với nhân dân Việt Nam để chúng ta có những mối giao hòa ngày một gắn kết hơn”.
Nhà thơ, nhà phê bình lớn của Colombia, ông Fernando Rendo
Nhà thơ lớn của Colombia, ông Fernando Rendo chia sẻ: "Trên thế giới có phong trào thi ca quốc tế rất lớn, gồm những nhà thơ nhà văn nổi tiếng nhất thế giới. Hy vọng các bạn hãy liên hệ và đoàn kết với chúng tôi, bởi vì chỉ có đoàn kết mới có thể làm được những việc lớn. Chúng ta hãy hướng tới các tác giả, nhà văn nhà thơ hướng về con người, có sự liên kết chặt chẽ với nhân dân lao động và những tiến bộ nhân loại."
Một sự kiện quan trọng tiếp theo nhằm thúc đẩy quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới sẽ diễn ra ngày mai, 17/2 (tức ngày 13 tháng Giêng). Đó là “Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, với chủ đề "Sông núi trên vai" hướng về biên cương Tổ quốc và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019)./.
Lan Hương/Vietnam Journey