TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên KTS trưởng thành phố Hà Nội
Là người trực tiếp tham gia làm hồ sơ đề nghị UNESCO trao tặng giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” cho Hà Nội vào năm 1999, ông có thể cho biết Hà Nội đã đáp ứng những tiêu chí gì để được công nhận là “Thành phố vì hòa bình”?
Có thể nói danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO trao tặng ngày 16.7.1999 ở Lapaz, Bolivia là niềm tự hào của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Lúc bấy giờ, Hà Nội là thành phố duy nhất ở Châu Á được nhận giải thưởng này. Việc vinh danh và đại diện cho Châu Á nhận giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” là minh chứng cho sự vươn lên của Hà Nội. Khi UNESCO đưa ra tiêu chí để nhận giải thưởng này, Hà Nội cũng đã cân nhắc rất nhiều. Cuối cùng chúng ta cũng tin tưởng và đặt ra những thành tựu để nhận dc giải thưởng này.
Trước hết, để một thành phố nhận được danh hiệu thành phố hòa bình phải là một thành phố có truyền thống văn hóa, văn hiến. Điều này Hà Nội đã có 4000 năm phát triển, đặc biệt đã là thủ đô từ 2000 năm từ khi còn ở Cổ Loa đã là kinh đô. Chúng ta đã trải qua cả một công cuộc dựng nước và giữ nước, đánh thắng nhiều giặc xâm lăng nước ngoài để bảo vệ nền hòa bình.
Thứ hai là sự bình đẳng của cộng đồng dân cư trong thành phố. Sau cách mạng, đặc biệt là sau công cuộc đổi mới năm 1986, Hà Nội lúc bấy giờ đã có sự vươn lên rất mạnh mẽ. Chúng ta đã có những quyết sách mạnh mẽ để tạo ra sự bình đẳng trong cộng đồng, mà sau này chúng ta đã thấy trong sự phát triển kinh tế, không phải chỉ là kinh tế XHCN mà là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nơi mà tạo công ăn việc làm và bình đẳng cho cộng đồng rất nhiều.
KTS Đào Ngọc Nghiêm là người trực tiếp tham gia làm hồ sơ để đề nghị UNESCO trao tặng giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” cho Hà Nội
Tiêu chí thứ ba là chú trọng và có những chính sách phát huy văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật. Ngày nay chúng ta thấy nổi rõ lên là chính sách trọng nhân tài. Nhưng ngay lúc bầy giờ, HN đã là nơi thu hút rất nhiều nhân tài, nơi tập trung nguồn trí thức rất lớn. Có thể nói gần ¾ trí thức của Việt Nam tập trung ở Hà Nội. Chúng ta đã có những sự sáng tạo trong hệ thống tổ chức để khuyến khích mọi người tham gia, đặc biệt là công tác giáo dục, văn hóa, khoa học, kỹ thuật đã có những bước đột phá. Nhiều di sản của chúng ta được thế giới công nhận, và sau này thì chúng ta lại phát hiện thêm nhiều di sản nữa.
Những kiến trúc đô thị Hà Nội thời điểm đó có nét gì đặc biệt ấn tượng để có thể vượt qua nhiều “đối thủ” nặng ký khác: Hàn Quốc, Australia, New Zealand... để giành danh hiệu ‘Thành phố vì hòa bình”, thưa ông?
Có thể nói Hà Nội là thủ đô có bề dày 2000 năm tuổi, lúc bấy giờ đã có bước tiến mới với việc chuyển kinh đô từ vùng rừng núi Cổ Loa về vùng trung tâm của Đồng Bằng Sông Hồng, cộng với truyền thuyết về văn hóa và kỹ thuật mới. Sau đó đến thời Pháp, qua các triều đại phong kiến cũ đã góp phần xây dựng nên những di sản kiến trúc mà đã có những chính sách quản lý rất tốt mà đến ngày nay vẫn có giá trị. Tôi lấy ví dụ như công tác quản lý về lĩnh vực xây dựng. Ngay từ thời phong kiến, chính quyền đã ban hành nhiều quy định quản lý: xây dựng chiều cao nhà đến đâu, dân cư bố trí như thế nào, môi trường cảnh quan ra sao… thời đó đã có quản lý rất chặt chẽ.
Hay mô hình kiến trúc đặc trưng Hà Nội vẫn còn lại đến ngày nay là khu phố cổ, một trong những di sản quốc gia đặc biệt, đó là một trong những thành tựu nổi bật thời bấy giờ. Đến thời Pháp thuộc, Hà Nội đã vươn lên để hội nhập và cấu trúc quy hoạch của Hà Nội lúc bấy giờ là cấu trúc của một thành phố hiện đại, gắn kết giữa truyền thống với giải pháp và cấu trúc hiện đại của các nước đang phát triển.
Một góc phố cổ Hà Nội
Có thể nói, mô hình quy hoạch của người Pháp đặt ra, cộng với thiết kế kiến trúc đô thị của Pháp đã tạo ra hình ảnh một Hà Nội hội nhập nhưng gắn kết với truyền thống, góp phần lan tỏa được các nền văn hóa lớn của thế giới vào với Hà Nội. Sau cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã có những bước phát triển mới, đặc biệt là chú trọng đến không gian nhà ở, đời sống xã hội…
Đến bây giờ, có thể nói là chúng ta đã tạo ra được nhiều giá trị. Nhưng điều mà người ta đánh giá cao ở Hà Nội chính là không gian kiến trúc vốn là sự tổng hòa của truyền thống văn hóa và các yếu tố hiện đại nhưng không lai căng mà vẫn tạo ra giá trị riêng biệt. Đó là nét đặc trưng rất riêng của Hà Nội.
Trong công tác quản lý đô thị thì có thể nói lúc bấy giờ là thời điểm Hà Nội đã có những bước phát triển mới. Đặc biệt như công tác quy hoạch năm 1998, chúng ta tiến hành một đợt quy hoạch mà gần như là bước đột phá của các lần quy hoạch trước, với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia nước ngoài: Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan… Nếu trước đây chúng ta chỉ tập trung phát triển khu vực phía nam sông Hồng, thì quy hoạch được Thủ tướng duyệt năm 1998 lần đầu tiên thủ đô Hà Nội phát triển đô thị hóa vượt sang cả khu vực phía bắc sông Hồng.
Bản quy hoạch được Thủ tướng duyệt năm 1998 lần đầu tiên định hướng phát triển thủ đô Hà Nội vượt sang cả khu vực phía bắc sông Hồng
Sau này, chúng ta thấy, với nền tảng như vậy đã góp phần hình thành nên những quận mới, điển hình là quận Long Biên, quận đầu tiên nội đô Hà Nội vượt sang phía bắc sông Hồng. Thế giới đánh giá rất cao quy hoạch này của Hà Nội vì vừa khai thác được cảnh quan, phát triển rộng rãi trong cả đô thị, vừa kết nối được với cả những thủ đô truyền thống trước đây: như Cổ Loa với những “thủ đô” mới như trung tâm Ba Đình, Tây Hồ…
Việc nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã góp phần quảng bá và nâng tầm vị thế của Hà Nội như thế nào?
Hà Nội không phải chỉ nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” để biểu dương mà nhận để tiếp tục phát huy và ngày càng được thế giới công nhận. Với biểu tượng “Thành phố vì hòa bình”, có thể nói là chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Trước hết là sự kiện chuẩn bị cho việc nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, chúng ta đã có sự chuẩn bị cho các giải pháp quy hoạch, đặc biệt xu thế của thế giới lúc ấy là 1 thành phố xanh, 1 không gian công cộng, 1 biểu trưng của hòa bình. Từ năm đó, chúng ta đã xây dựng 1 công viên thành phố vì hòa bình với quy mô hơn 20ha hiện nay ở trục tây hồ Tây.
Chúng tôi chọn vị trí ấy để xây dựng công viên thành phố vì hòa bình là 1 thông điệp cho bạn bè quốc tế mà lúc bấy giờ chủ yếu là đi từ sân bay quốc tế Nội Bài, qua cầu Thăng Long về sẽ thấy ngay 1 biểu trưng của “Thành phố vì hòa bình”. Chúng ta cũng nhân rộng những biểu trưng “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO tặng và đặt ở đó. Công viên vì hòa bình đã phát huy được giá trị và là nơi tập hợp, là điểm đến của bạn bè quốc tế bởi đó không chỉ là văn hóa, mà còn là hội nhập và mang dấu ấn của nhiều quốc gia.
Và có lẽ hiếm có một đô thị nào trên thế giới sở hữu gần 6000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích quốc gia đặc biệt. Và điểm đặc trưng nhất mà chúng ta đã giữ gìn và phát huy được là chúng ta có những khu đặc trưng mà hiếm có thủ đô nào có được. Ví dụ như khu vực hồ Tây, một thắng cảnh mang đậm dấu ấn liên kết của nhiều thời đại. Hoặc là khu phố cổ Hà Nội, hiện nay là di tích quốc gia đặc biệt thu hút rất đông bạn bè quốc tế. Chúng ta có rất nhiều kiến trúc đặc trưng của từng thời kỳ không chỉ của Pháp mà của cả Châu Âu.
Thoáng yên bình bên hồ Tây
Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, gần nhất là hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, nơi tập trung hơn 3000 nhà báo quốc tế đến tác nghiệp và phần lớn đều công nhận Hà Nội là điểm đến lý tưởng. Không chỉ là điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện quốc tế mà còn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế… Như vậy chúng ta có thể hy vọng rằng mô hình, biểu tượng thành phố vì hòa bình ko phải chỉ là biểu tượng vinh danh mà còn là biểu tượng động lực để thúc đẩy HN tiếp tục nâng tầm lên, xứng đáng là thành phố vì hòa bình không chỉ của Châu Á mà còn của thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Anh Vũ - Nguyên Hạnh/ Vietnam Journey