Dự lễ kỷ niệm có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, và sự tham gia của bà Trần Lệ Thu, vợ nhà thơ Huy Cận.
Đây là dịp để thế hệ hôm nay bày tỏ lòng thành kính, biết ơn những đóng góp của nhà thơ với thơ ca và nền văn hóa nước nhà.
Nhà thơ Cù Huy Cận sinh ngày 31/5/1919 tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Truyền thống văn hóa của quê hương, gia đình là mạch nguồn nuôi dưỡng nên tâm hồn cốt cách nhà thơ, nhà văn hóa Huy Cận.
Năm 19 tuổi, ông xuất bản tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” và trở thành một trong những tên tuổi xuất sắc của phong trào Thơ mới. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nhà thơ Huy Cận liên tục xuất bản nhiều tập thơ thể hiện niềm vui, niềm tự hào trước cuộc sống mới của đất nước, nhân dân.
Phong cách sáng tác, ngôn từ, giọng điệu và cả những triết lý trong thơ Huy Cận đã góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thơ ca hiện đại Việt Nam.
Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nói rằng, trong suốt 85 năm cuộc đời, nhà thơ Huy Cận luôn ở vị trí hàng đầu của thi ca Việt Nam.
"Trước hiện đại là thơ mới. Tản Đà là người mở đầu phong trào thơ mới còn Huy Cận đưa văn học vào quỹ đạo nhân loại. Sau năm 1945 thì Huy Cận tiếp tục là hàng đầu. Trong số đội ngũ thơ đi đến suốt thế kỷ 20, ông luôn là hàng đầu. Bằng thành tâm sâu sắc về thi ca cách mạng, trí tuệ xứng với thế giới", Giáo sư Phong Lê cho biết.
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận là dịp để thế hệ hôm nay bày tỏ niềm tự hào, lòng thành kính, biết ơn sâu sắc những đóng góp của ông đối với thơ ca và nền văn hóa nước nhà. Đặc biệt tầm vóc nhà thơ, nhà văn hóa, sự chuẩn mực ở lối sống giản dị, đời thường của nhà thơ Huy Cận mãi luôn được các thế hệ tri ân, tôn vinh và ngưỡng mộ.
Ái Kiều/ VOV1