Tích xưa kể lại, ông Trời đã cho mưa xuống, người dân và sinh linh trên mặt đất thoát khỏi kiếp nạn hạn hán nhờ vào sự tình nguyện hy sinh của người đàn bà khi cùng thầy mo đi cầu mưa ở mó nước. Bà nói rằng nếu ông Trời phạt, bắt phải chết, bà không lo sợ nữa, chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Thương người đàn bà góa có tấm lòng vì bản mường, dân bản cùng nhau lập lễ cầu xin ông trời ban mưa. Từ đó, cứ đến ngày 15/2 âm lịch hàng năm, lễ hội “cầu mưa” được tổ chức.
Vào trước ngày diễn ra lễ hội cầu mưa, dân làng cùng tới một bãi đất rộng ở đầu bản và dựng một cây nêu với những vật trang trí thể hiện sự khó khăn của cuộc sống do thiếu nước, do thời tiết không thuận lợi… Vật trang trí gồm những con chim, con ve đan bằng nan, bên cạnh những cái lồng nhỏ đặt trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai. Chim và ve là hai loài vật sẽ mang lời khấn của dân bản tới ông Trời, còn vỏ ốc, vỏ trai tượng trưng cho sự khô hạn.
Sáng sớm ngày chính hội, một bà góa trong bản quẩy đôi gánh buộc những ống bương đựng nước đi tới từng nhà, gọi chị em phụ nữ cùng ra mó nước để làm lễ cúng thổ địa, thần linh cùng thầy cúng.
Tiếp đó là lễ cúng xin nước. Kết thúc, ông Then bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa dùng cành trúc vẩy nước vào tất cả những người dự lễ.
Sau lễ cầu mưa, dân bản cùng nhau ca hát, múa xòe và chơi trò chơi dân gian, thể thao truyền thống như ném còn, tó má lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, đập mõ trâu, đi cà kheo đá bóng./.
Phạm Dương, theo vov.vn