Nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi là một trong những nghệ nhân tham gia lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại. Trong các phim 10 phút, 45 phút, 100 phút bắt buộc phải trình hội đồng UNESCO đều có sự hiện diện của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi.
Với gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, ca trù không chỉ là niềm say mê, mà là cái nghiệp, là trách nhiệm với tiên tổ. Từ giữa thế kỷ 19, cụ tổ 5 đời của dòng tộc đã say mê ca trù rồi truyền lại cho con cháu. Duyên nghiệp đã khiến dòng họ có nhiều ca nương, kép đàn tài danh.Cụ thân sinh nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là kép đàn Nguyễn Văn Xuân, một trong những kép đàn nổi tiếng nhất miền bắc trước năm 1945. Từ bé, mỗi khi nghệ nhân Nguyễn Văn Xuân đi hát, cậu bé Mùi được đi theo “hầu”. Và rồi ngấm ca trù.
Nghệ nhân nhân dân ca trù Nguyễn Văn Mùi
Ông Mùi luôn thấy nặng nợ với dòng họ khi nghĩ đến ca trù. Và giữa thời bao cấp, khi các gia đình chạy vạy được cái ăn đã là may lắm, thì ông đầu tư cho con cái theo con đường nghệ thuật. Hai người con trai của ông là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Tiến đều theo học môn nhạc cụ dân tộc ở Học viện Âm nhạc quốc gia. Cô con gái út Nguyễn Thúy Hòa thì được theo học cụ Quách Thị Hồ vào những năm tháng cuối đời của cụ.
Ông bà Mùi cứ lầm lũi nuôi con ăn học mà không chắc lắm về tương lai… Có lúc ông bảo, cứ thấy con cái trải chiếu ra, đứa đàn, đứa hát, ông được cầm chiếc roi chầu để gieo những tiếng “chát, tom” là thấy mừng lắm rồi.
Thừa hưởng sẵn gien của dòng họ, gia đình ông đã có hai kép đàn tài hoa và một ca nương cao sang. Còn với nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, từ lâu, ông đã được coi là tay trống chầu đệ nhất.
Ca nương Kiều Anh, cháu nội của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi
Ca trù cứ tồn tại âm thầm mà bền bỉ trong gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi như thế. Có những khoảng thời gian dài, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi biểu diễn miễn phí để những người yêu ca trù có thể đến thưởng thức, tìm hiểu.
Đó là cách để gia đình được diễn và cũng để gieo mầm tình yêu ca trù đến mọi người, đến với thế hệ trẻ. Gia đình ông cũng tích cực tham gia truyền dạy các kỹ thuật hát, đánh phách, chơi đàn trong những dịp Bộ VH-TT&DL tổ chức dạy ca trù.
Hiện nay, CLB ca trù Thái Hà còn lưu giữ được hơn 30 làn điệu ca trù cùng với một kho băng đĩa ca trù của các nghệ nhân nổi tiếng trong và ngoài dòng tộc, đã được sưu tầm từ năm 1927 - 1935, với nhiều làn điệu cổ, làn điệu khuôn mẫu của ca trù.
Ở tuổi 87, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi cùng con gái nhận được danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Niềm vui nhân lên gấp bội khi hôm nay, gia đình ông có thêm hai ca nương nữa, là hai cháu nội Nguyễn Thu Thảo và Nguyễn Kiều Anh.
Cả hai đều giành nhiều danh hiệu qua các kỳ liên hoan ca trù. Ca trù được truyền sang thế hệ thứ 7. Chỉ 2 năm sau đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi được nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.
Lễ viếng nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi bắt đầu từ 7h đến 8h30 phút ngày 4/7/2019 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354, phố Đội Nhân, Hà Nội.
Theo anninhthudo.vn