Vừa qua, cộng đồng mạng từng dậy sóng với bộ mô hình cầu Long Biên rất chi tiết được một 8x tại Đà Lạt thực hiện. Đây là bộ mô hình thuộc sự sở hữu của anh Nguyễn Hồng Vỹ (Long Biên, Hà Nội) lên ý tưởng và đặt làm.
Chia sẻ về bộ mô hình trên, anh Vỹ cho hay: "Tôi là một người con của Hà Nội, cầu Long Biên đã thân thuộc với tôi kể từ nhỏ khi vừa biết đi xe đạp là tôi đã đi qua lại cây cầu này nhiều lần trong ngày. Dự định về việc làm một bộ mô hình cầu Long Biên được tôi ấp ủ từ lâu nhưng vừa mới thực hiện được khi biết đến bạn Chương ở Đà Lạt và đặt bạn ấy thực hiện trong thời gian khoảng hơn 3 tháng".
"Tôi biết tiếng anh Chương rất khéo léo và đam mê dựng các mô hình, sa bàn nên đã đặt hàng anh làm mô hình một nhịp cầu Long Biên đặc biệt nhất, giống như thật. Toàn bộ được làm thủ công tỉ mỉ đến từng cái đinh tán gầm cầu hay chi tiết bê tông, mang lại cảm giác rất gần gũi, thân thuộc" - anh Vỹ cho hay.
Những chiếc trụ gầm cầu được làm thủ công y như thật. Bên dưới sàn cầu là khoảng hơn 300 chiếc đinh tán siêu nhỏ, cũng được thực hiện bằng tay, chi tiết đến từng tiểu tiết nhỏ. Tính tổng thời gian, chiếc cầu này mất khoảng hơn 500 giờ để hoàn thiện toàn bộ.
Bộ mô hình cầu Long Biên này vừa mới được vận chuyển ra Hà Nội vào ngày 3/10 vừa qua. "Mới ban đầu, khi làm xong tôi định nhờ chuyển ra bằng ô tô nhưng sợ rủi ro nên phải lựa chọn gửi theo đường hàng không để đảm bảo an toàn cho bộ mô hình" - anh Vỹ chia sẻ.
Phần đường ray được tạo thành từ gỗ. Toàn bộ cây cầu được đo đạc và chia tỷ lệ rất chuẩn so với cầu thật.
Những chiếc đèn nhỏ cũng được làm rất cầu kì.
Cây cầu này được làm từ nhiều vật liệu như gỗ, nhựa mô hình, sắt... trong ảnh là phần chi tiết hàng rào được làm từ nhựa mô hình, sơn phết tạo màu sắt gỉ và rêu phong giống hệt cầu Long Biên thực.
Đoạn cầu có chiều dài 1,7m, cao 60cm (tính cả trụ cầu) và chiều ngang 25cm.
Anh Chương (người thực hiện) làm tỉ mỉ tất cả chi tiết nhỏ nhất, từ các mố cầu, nhịp cầu duyên dáng, đường ray xe lửa ở giữa cầu và hai làn đường nhựa hai bên, lan can cầu…
Bởi chưa bao giờ nhìn thấy cây cầu Long Biên thực sự, anh Chương đã phải dành hẳn 1 tháng để nghiên cứu, xem các hình ảnh, clip về cây cầu trên mạng, xem qua Google map… Nhưng khó khăn chỉ thực sự được tháo gỡ khi anh Chương tìm được một phần bản vẽ của cây cầu này trên mạng.
Được biết, mô hình này mới hoàn thành một nửa, dự định tiếp theo của người chủ nhân vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
Tấm biển Daydé & Pillé 1899 -1902 được anh Vỹ làm rất tỉ mỉ, đây cũng chính là tấm thép được gắn trên cầu Long Biên ghi đơn vị thi công và năm khởi công, năm hoàn thành.
Cầu Long Biên và xe Cub đã từng một thời là biểu tượng của Hà Nội. Qua trăm năm, cây cầu được coi là chứng nhân của lịch sử của hai cuộc kháng chiến vẫn sừng sững giữa Thủ đô, trở thành một phần không thể thiếu của mỗi người dân Hà Nội.
"Tôi dự tính sẽ làm theo dạng đồ họa mapping dùng đèn rọi tạo hiệu ứng nước chảy bên dưới cầu. Đến lúc đó mô hình này sẽ hoàn thành 100%" - anh Vỹ cho biết thêm.
Sự kết hợp giữa một người với tình yêu Hà Nội và một người thợ tài hoa, có tâm đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Nam Nguyễn/toquoc.vn