Nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng mỗi bản nhạc ông viết đều có bóng dáng, có bối cảnh cụ thể. Đó chính là những dấu ấn kỷ niệm sâu sắc về những bóng hồng đi qua cuộc đời người nghệ sĩ Vũ Thành An từ lúc mới là chàng trai đôi mươi.
“Bài không tên cuối cùng là nhắc đến lần cuối cùng của một tình yêu, khi người mình đặt hết niềm tin đã bỏ mình ra đi, thì mình còn biết tin ai bây giờ, tin ai bây giờ? Đau lắm, thất vọng lắm, làm mình hụt hẫng, thất tình và làm mình thốt lên những lời tha thiết trong bản nhạc”, nhạc sĩ Vũ Thành An bộc bạch.
Những ca từ xót xa bao người đã ngân nga “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em? Xa nhau rồi thiên đường thôi lỡ cho thần tiên chấp cánh xót đau người tình si. Suốt con đường ai dìu lối hãy yêu nhiều người em tôi, xin gửi em một lời chào, một lời thương một lời yêu lần cuối cùng” từ nhạc khúc “Bài không tên cuối cùng” được người nghệ sĩ ký thác từ lần vụn vỡ của “mối tình cuối cùng” đó.
Cũng theo người nghệ sĩ nổi tiếng này, những sáng tác của ông thể hiện một phần tương lai của chính ông trong đó như dòng chảy số phận cuộc đời. Tuy nhiên, nhạc sĩ Vũ Thành An cũng cho rằng, dù có đi qua những đau khổ, mất mát nhưng chính sự đau khổ đó sẽ nâng chúng ta lên chứ đừng để nó kéo ta xuống. Như chính lời ca trong nhạc phẩm “Đời đá vàng” - Bài không tên số 40, nhạc sĩ tâm tình: “Có một lần mất mát mới thương người đơn độc, có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu, qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về, có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”.
Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh ngày 20/4/1943 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954, ông theo gia đình vào Nam. Năm 1969, ông phát hành tập nhạc Những bài không tên. Bên cạnh Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, cái tên Vũ Thành An và những sáng tác của ông đã nổi tiếng và được yêu chuộng khắp miền Nam lúc bấy giờ. Năm 1981, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca và Nhân bản ca. Năm 1991, ông sang Mỹ định cư, sinh sống tại thành phố Fontland (bang Oregon, Mỹ). |
Phạm Dương, theo tienphong.vn