Một số người dân tộc Thủy - dân tộc chưa được công nhận chính thức của Việt Nam
Một dự án đầy hoài bão
Nhiếp ảnh gia du lịch Réhahn cho biết: "Từ khi tôi bắt đầu làm bố, tôi mới có cái nhìn sâu sắc về 2 từ 'kế thừa’.Giống như tất cả các bậc cha mẹ, tôi đã tự hỏi bản thân rằng con cái mình sẽ học được gì từ bố mẹ chúng, và tôi có thể truyền lại cho chúng những gì?"
Réhahn vốn sinh ra và lớn lên tại Bayeux, Normandy, Pháp, anh sống ở thành phố Hội An của Việt Nam từ năm 2011. Trong 8 năm qua, anh đã và đang theo đuổi một dự án đầy nhân văn - chụp một bộ ảnh các dân tộc Việt Nam.
Réhahn nói: “Là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh chân dung, tôi đã đi khắp Việt Nam. Tôi đã gặp nhiều người với nhiều nét văn hóa khác nhau, họ tâm sự với tôi trong sự tiếc nuối rằng hậu duệ mình không còn học ngôn ngữ và nghề thủ công của tổ tiên. Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng nhận ra dấu hiệu mai một bản sắc của các dân tộc này. Ngôn ngữ không viết, không nói rồi sẽ dần mất đi. Những bài hát truyền thống rồi cũng chỉ là dĩ vẵng. Tôi nhận thấy rằng để lưu giữ các di sản văn hóa quý giá không phải chuyện dễ dàng gì."
Réhahn hy vọng gặp và chụp ảnh một số người dân tộc Chút vào mùa hè này nữa là hoàn thành bộ sưu tập 54 dân tộc của anh. Các nhóm dân tộc khác nằm ngoài danh sách 54 dân tộc Việt Nam hiện đang được chính phủ phê duyệt công nhận.
Gần đây, trong một chuyến đến tỉnh Tuyên Quang miền Bắc Việt Nam để thăm dân tộc Pà Thẻn, Réhahn đã gặp một số người dân tộc Thủy - dân tộc chưa được công nhận chính thức của Việt Nam.
Réhahn cho biết: “Dự án tâm huyết của tôi vẫn chưa thực sự kết thúc. Dĩ nhiên, tôi sẽ sớm hoàn thành dự định ban đầu là chụp các bức ảnh của 54 dân tộc Việt Nam, tuy nhiên tôi vẫn muốn chụp nhiều bức ảnh của những dân tộc chưa được công nhận của Việt Nam. Trong suốt chuyến đi, tôi đã gặp gỡ nhiều người bạn mới và ghé thăm vài gia đình. Tôi sẽ cố gắng tiếp cận họ vì tôi mới chỉ bắt đầu kế hoạch. Tôi vẫn tiếp tục chụp nhiều chân dung, sưu tầm đồ tạo tác và trang phục, và duy trì các mối quan hệ thân mật với những người mà tôi may mắn gặp trong 8 năm qua.
Trước khi đến Việt Nam, tôi đã không tin một đất nước lại có quá nhiều ngôn ngữ, truyền thống và bản sắc dân tộc riêng biệt, có thể tồn tại cùng nhau. Tôi không phải là nhà dân tộc học, vì vậy tôi không thể bình luận bất kỳ điều gì về những mối quan hệ phức tạp ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, bản thân tôi tin rằng có vô vàn thứ chúng ta cần học hỏi từ các nhóm dân tộc trên khắp thế giới, những nền văn hóa đặc sắc và lâu đời của họ xứng đáng được tôn trọng và tồn tại theo cách riêng."
Tiện đây, Réhahn giới thiệu một vài hình ảnh yêu thích từ dự án “Di sản quý giá” của mình, cùng với những kỷ niệm gặp gỡ và chụp ảnh chân dung một số người dân tộc Việt Nam.
Dân tộc Chăm
Lần đầu tiên tôi gặp An Phước, cô bé mới 7 tuổi. Một bé gái dân tộc Chăm có đôi mắt xanh hấp dẫn, nhờ những bức ảnh của tôi mà cô bé đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam trong vài năm qua.
Dân tộc của cô bé An Phước cư trú ở tỉnh Bình Phước và vùng lân cận thuộc miền nam Việt Nam, trước đây Bình Phước được biết đến với danh hiệu Vương quốc Champa. Bức ảnh này đặc biệt có ý nghĩa với tôi vì nó tạo động lực một phần cho dự án "Đền đáp” – dự án mà tôi hy vọng đền đáp phần nào đó cho những người mà tôi chụp ảnh. Tôi đã chi trả học phí cho một số trẻ em, và đã mua thuyền, bò và máy ảnh,thanh toán tiền thuốc thang hay chỉ đơn thuần sửa chữa nhà cho những người mẫu ảnh của mình.
Tôi đã quay lại nhiều lần để thăm An Phước, chị gái và gia đình cô bé. Hiện nay, tôi chu cấp tiền học cho cả hai chị em để họ có cuộc sốngbằng bạn bè trang lứa.
Dân tộc Xinh Mun
Bà Vi Thị Inh, dân tộc Xinh-Mun miền bắc Việt Nam sinh năm 1916, ở tuổi 103 tuổi, bà vẫn đang bận rộn nấu ăn cho cả hai bà cháu khi tôi đến thăm.
Khi nhìn thấy tôi, bà nói "Vào trong nhà". Tôi thích ngôi làng đơn sơ, mộc mạc của bà, ngôi làng nằm giữa khu rừng rậm rạp thuộc biên giới Lào.
H'Mông Đen
Tôi đã đến miền bắc Việt Nam và tiếp xúc với người H'Mông tại Sapa ít nhất 10 lần kể từ năm 2012.
Người H'Mông có nhiều nhóm dân tộc nhỏ, chẳng hạn như H'Mông đen, người phụ nữ trong bức ảnh tên Lồ Thị Si là người H’Mông đen. Điều khiến người ta ngạc nhiên trong bức ảnh chính là bộ trang phục có họa tiết dệt may tinh xảo của cô gái. Các bé gái H'Mông học cách làm trang phục từ năm 7 tuổi. Quần áo của họ dệt từ cây gai dầu, sau đó nhuộm màu chàm, rồi mất hàng giờ tỉ mẩn thêu.
Dân tộc Lào
Bà Lò Thị Bánh, 95 tuổi, là một trong những người mẫu ảnh yêu thích của tôi, bà cười ngạc nhiên về đề nghị tạo dáng ngồi hút thuốc của tôi. Bà đeo khuyên tai nhỏ bằng bạc kéo sệ tai giống như những người phụ nữ khác ở cùng độ tuổi.
Dân tộc Lào có nguồn gốc từ quốc gia Lào, họ vẫn sử dụng tiếng Lào. Tuy nhiên, phần lớn văn hóa và trang phục của họ đã thay đổi qua thời gian. Ngôi làng Na Sang 1 là một trong những nơi còn sót lại vẫn may trang phục theo kiểu truyền thống của Lào.
Dân tộc Lô Lô đen
Lần đầu tiên tôi đến thăm dân tộc Lô Lô đen vào năm 2013 tại Bảo Lạc, Cao Bằng miền bắc Việt nam. Ở đó, tôi thấy nhiều phụ nữ mặc trang phục truyền thống. Hai năm sau, tôi thấy ít người mặc trang phục ấy hơn hẳn.
Tôi đã chụp chân dung bà Ka Thị Nhánh, 75 tuổi, mặc bộ váy truyền thống rách tươm, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thuần khiết. Bức ảnh thay lời lên tiếng cho một truyền thống cổ xưa đang dần bị lãng quên.
Dân tộc Pà Thẻn
Tôi hứng thú lắm khi biết trẻ em Pà Thẻn (Tuyên Quang) phải mặc trang phục truyền thống đến trường vào thứ hai hàng tuần như một cách giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.
Xin Thị Hương, cô bé 8 tuổi trong bức ảnh này, cảm thấy việc mặc trang phục truyền thống dân tộc mình là niềm vinh dự chứ không phải sự ép buộc. Nhớ lại hình ảnh tôi thấy trước đây, làng Nà Nghè của dân tộc Pà Thẻn có phong tục tập quán vô cùng sống động, có lẽ vì trẻ em ở đây mặc trang phục truyền thống thường xuyên? Tôi nghĩ ý tưởng trên góp phần lớn lưu giữ bản sắc dân tộc Pà Thẻn.
Dân tộc K’Ho
Dân tộc Co-Ho, hay K'Ho cư trú ở tỉnh Lâm Đồng. Người phụ nữ trong bức ảnh này tên K'Long K'Ê. Bà đã 101 tuổi, bà là mẹ của 11 người con và có 165 đứa cháu và chắt. Bà là mối liên kết hiện hữu giữa quá khứ và tương lai của người K'Ho.
Lúc bà qua đời, con cháu bà đã cho tôi chiếc chăn dệt thủ công tự tay bà làm để tôi trưng bày trong “Bảo tàng di sản quý giá” của mình ở Hội An cùng với bức chân dung của bà.
Dân tộc Lự
Bà Lò Vân Báu, dân tộc Lự, Lai Châu miền Bắc Việt Nam vô cùng ngạc nhiên khi tôi xin phép chụp ảnh. Bà hỏi tôi: ''Tại sao anh không đến chụp lúc tôi còn trẻ và xinh đẹp?''
Câu hỏi của bà đột nhiên truyền cảm hứng cho tôi bắt tay vào chụp hàng loạt bức ảnh “Người đẹp không tuổi”, nhắm vào những người lớn tuổi ở Việt Nam, có lẽ trong suy nghĩ, họ luôn cảm thấy mình già và xấu nhưng thực ra họ trẻ và đẹp hơn nhiều so với tuổi tác thật.
Ngôi làng Nậm Tăm của bà cho phép du lịch sinh thái nhằm duy trì bản sắc văn hóa. Trong số các ngôi làng tôi ghé thăm, Nậm Tăm vẫn còn giữ được bản sắc dân tộc đậm nét nhất.
Dân tộc Dao đỏ
Tôi cực kỳ yêu thích bức ảnh này của bà Lý Lộ May dân tộc Dao đỏ. Bộ trang phục cầu kỳ của bà toát lên vẻ đẹp quý phái đáng ngưỡng mộ.
Dự án Di sản quý giá của tôi phần nào lấy cảm hứng từ người Dao đỏ và truyền thống dệt may điêu nghệ của họ. Tôi sẽ tiếp tục khám phá thêm về dân tộc Dao phía bắc Việt Nam để làm phong phú hơn cho bộ sưu tập trong bảo tàng ở Hội An.
Dân tộc Xơ-đăng
Ông A Dip,76 tuổi, sinh sống ở vùng cách Kon Tum khoảng 50km. Ông là người dân tộc To Dra, dân tộc con của dân tộc Xơ-Đăng.
Cách đây 2 năm, tôi may mắn gặp ông A Dip. Tôi đến thăm ông lần cuối vào năm 2018, tôi phát hiện ra ông có nhiều tài năng: ông là nghệ nhân duy nhất trong làng vẫn làm giỏ tre truyền thống và cũng là người hẵn còn chơi nhạc cụ truyền thống của người To Dra.
Dân tộc Hà Nhì đen
Tôi đã gặp bà Pu Lô Mạ (89 tuổi) và con gái bà (60 tuổi), dân tộc Hà Nhì đen khi đi qua tỉnh Lai Châu và Lào Cai năm 2017. Tôi rất ấn tượng với trang phục chỉn chu của người Hà Nhì đen. Có lẽ người ta phải mất khoảng 6 tháng thì mới hoàn thành xong bộ trang phục ấy tính cả thời gian tết những búi tóc giả lớn tuyệt đẹp.
Yến Phạm/ petrotimes.vn