Tòa nhà biệt thự tại địa chỉ 128C Bạch Mai do người Pháp xây dựng cách đây 108 năm. Đây là nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thế giới vào đúng 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945. Cụm công trình có một phần diện tích nằm trong quy hoạch dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở.
Trước giá trị lịch sử của công trình, tháng 12/2019, Đài tiếng nói Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam đã kiến nghị bảo tồn các công trình thuộc trạm phát sóng Bạch Mai.
Trước đó, tháng 12/2019, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ ký công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét bảo tồn công trình Trạm phát sóng Bạch Mai. Công văn này cũng được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để báo cáo. Tuy nhiên, ngày 09/02, công trình tòa biệt thự 1 tầng bề thế, với mái ngói cổ kính ở 128C Đại La đã bị đập phá tan hoang.
Toàn bộ phần mái gần 200 mét vuông bị phá dỡ
Theo ghi nhận của phóng viên, 4 gian của tòa biệt thự với diện tích khoảng gần 200 mét vuông đã bị phá hủy hoàn toàn phần mái ngói, khoan thủng mái bê tông, và một gian đầu hồi về phía đường Đại La với diện tích khoảng 50 mét vuông bị kéo sập thành đống đổ nát gạch ngói trộn nhau. Phần tường liền kề với gian thứ 2 cũng bị nứt nghiêm trọng. Phía ngoài đống đổ nát được Ủy ban nhân dân phường Đồng Tâm dùng dây quây lại và cắm biển “…yêu cầu các tổ chức cá nhân không tự ý phá dỡ, giữ nguyên hiện trạng…”
Gian đầu hồi diện tích khoảng 50 mét vuông bị đập hoàn toàn
Trạm phát sóng ngổn ngang như phế tích
Trước tình cảnh tan hoang của ngôi biệt thự từng là chứng tích lịch sử, người dân không khỏi xót xa. Bà Nguyễn Thị Thuận đã gần 90 tuổi, phòng 107, A5, tập thể Đài Tiếng Nói Việt Nam tại 128C Đại La, là nữ cán bộ kỹ thuật đầu tiên từng gắn bó tại đài phát sóng này. Bà Thuận là con của ông Nguyễn Cung, nguyên Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật phát thanh từng trực tiếp phụ trách Đài Bạch Mai và góp sức cải tiến máy phát tín hiệu morse của Đài phát tín hiệu Pháp thành máy phát tín hiệu âm thanh tại tòa biệt thự này để phát đi bản Tuyên ngôn độc lập.
Bà Nguyễn Thị Thuận nuối tiếc kể" “Hồi xưa, hồi mới B52, chính ông Trần Lâm - Thủ trưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã nói muốn làm di tích ở đây, tức là trạm phát sóng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỗ mé ngoài giờ phá hết rồi còn gì, chỉ còn mỗi chỗ nhà in thôi. Chỗ nhà in ấy trước để những đồ làm việc, nhà kho. Còn chính chỗ để làm nhà máy thì phá đi mất rồi.”
Không chỉ những cán bộ nhân viên của Đài TNVN mong muốn bảo tồn di tích cụm công trình đài phát sóng Bạch Mai, nhiều người dân cũng không khỏi bức xúc trước việc làm nhanh chóng khó hiểu của đơn vị quản lý tòa nhà này mặc dù trước đó đã có nhiều cơ quan báo chí lên tiếng và UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo ban đầu.
Ông Vũ Trường Sơn và bà Hoàng Yến Dương, phố Đại La, Hà Nội cho rằng đây là việc làm không tôn trọng quá khứ. Di tích cần được giữ lại để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.
Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Đặng Đức Hiếu trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 13-02
Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 13/2, ông Đinh Đức Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết, công trình tòa biệt thự 1 tầng, trạm phát sóng Bạch Mai do Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Văn hóa quản lý. Công ty này đã nhận tiền đền bù, tuy nhiên chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đường trên cao.
Chiều 9/2, công ty này đã tự ý phá dỡ tòa nhà. Chỉ khi nhận được yêu cầu tạm dừng của Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm, đơn vị này mới dừng việc phá dỡ vào sáng 10/2.
Tuy nhiên điều đáng nói là công trình chỉ có một phần nhỏ diện tích (25 mét vuông) nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng đường vành đai 2, thế nhưng Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Văn hóa đã phá dỡ tới gần 200 mét vuông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công trình.
Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm cho biết đã làm việc với đại diện công ty thừa nhận việc làm chưa đúng và cam kết giữ nguyên hiện trạng, không tiếp tục phá dỡ.
Chỉ một ngày sau khi sự việc diễn ra, ngày 10/2, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan chuyên môn gửi kiến nghị bảo tồn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội chủ trì phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam làm hồ sơ di tích, trước mắt là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, đối với tòa nhà một tầng, để UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Lãnh đạo phường Đồng Tâm còn cho biết, Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Văn hóa đã tiến hành công việc phá dỡ vào ngày nghỉ cuối tuần, không thông báo cho chính quyền địa phương biết. Vì sao Công ty Xây dựng thương mại và Dịch vụ văn hóa lại "nhanh tay vung búa" phá dỡ một công trình lịch sử đang được lập hồ sơ để công nhận di tích văn hóa cấp thành phố. PV Đài TNVN sẽ tiếp tục làm rõ nội dung này./. |
Nguyên Nhung/VOV1