“Phố có phố trong làng, một vùng chiêm trũng có phố trong làng, đường Cầu Giẽ cửa ngõ phía Nam. Phố có phố trong làng, làng nghề cha ông nối dài con phố. Phú Xuyên làng Phú Xuyên phố, ở làng quê tôi có phố trong làng”. Đây là những câu trong bài hát Phố trong làng của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh viết về mảnh đất Phú Xuyên, TP. Hà Nội.
Phú Xuyên hiện có 124 làng có nghề, từ làng nghề sơn mài, khảm trai cho đến làng nghề mộc gia dụng, trong đó 39 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Từ những làng nghề này, không chỉ đời sống của người dân được cải thiện mà những giá trị nhân sinh tốt đẹp cũng được gìn giữ bảo tồn.
Mảnh đất trăm nghề
Sinh ra từ mảnh đất được mệnh danh là “đất trăm nghề”, ngay từ nhỏ, tôi đã cảm nhận được nét văn hóa đậm mùi hương gỗ ở Đại Nghiệp, mùi xi giày Phú Yên, nét trang nhã âu phục Vân Từ, lấp lánh khảm trai Chuyên Mỹ, màu tuổi thơ với những chú tò he Phượng Dục… Còn nhiều lắm hương vị quê hương, dù đi đâu tôi cũng nhớ về.
Ông Lê Ngọc Anh - Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên phát biểu tại lễ hội Vinh danh làng nghề
Có thể nói, Phú Xuyên là cái nôi của nhiều làng nghề nổi tiếng lâu đời. Tính chung trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện có 156/156 làng, cụm dân cư làm nghề (chiếm 100%) với 78 làng nghề được duy trì và phát triển; 39 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp Thành phố; trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 1 trường trung cấp nghề và 1 trường cao đẳng nghề, hằng năm đào tạo khoảng trên 1.000 học viên với các ngành, nghề đa dạng, phong phú.
Toàn huyện có 22.100 hộ làm nghề, chiếm 40% số hộ chung của huyện với gần 28.500 lao động tham gia nghề. Trở thành một huyện của Hà Nội sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, những năm qua, nhiều làng nghề của Phú Xuyên đã và đang tiếp tục có những bước phát triển tốt, chuyển dịch dần theo hướng cụm, vùng làng nghề; xây dựng làng nghề gắn với du lịch; chú trọng đào tạo nghề; xây dựng trung tâm thương mại và hình thành các doanh nghiệp thương mại tại các làng nghề.
Xã Vân Từ và xã Chuyên Mỹ được công nhận là làng nghề du lịch của huyện Phú Xuyên
Để không mai một làng nghề truyền thống và phát triển giá trị văn hóa làng nghề, ban lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên đã dốc lòng, dành nhiều thời gian, tâm sức quan tâm đến hoạt động làng nghề. Từ năm 2011, huyện Phú Xuyên đã lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề. Ngày 26/10 hằng năm cũng được chọn để tổ chức Lễ hội “Vinh danh làng nghề truyền thống”. Cùng với việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, lễ hội còn có các hoạt động như: Biểu diễn tay nghề của các nghệ nhân, giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian… Qua đó, tăng sức thu hút của du lịch làng nghề.
Nét “Độc - Lạ” làng mộc Đại Nghiệp
Đồ gỗ mỹ nghệ Phú Xuyên có tiếng vang xuyên dài theo dải đất chữ S. Nếu có dịp về Phú Xuyên, bạn nên dành chút thời gian ghé thăm làng Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên), cội nguồn của những sản phẩm tinh tế, công phu bấy lâu nay chỉ thấy trong cửa hàng rồi mua về. Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến những nghệ nhân tỉ mỉ làm từng chi tiết sản phẩm, chúng ta mới cảm nhận hết được sự trân quý thành quả của họ.
Làng Vân Từ nức tiếng với nghề may comple
Làng Đại Nghiệp là một làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống có từ lâu đời. Nguyên tên cũ là làng Già Cầu, sau đổi thành làng Tre. Từ năm 1948, làng có tên hành chính là thôn Đại Nghiệp, còn gọi là làng Đại Nghiệp, thể hiện mong ước một mảnh đất có “nghề lớn” sẽ được trường tồn và phát triển.
Nghề truyền thống ở Đại Nghiệp đã có từ rất xa xưa. Nhiều thế hệ thợ tài hoa của làng đã sản xuất đa dạng các sản phẩm mộc như sập gụ, tủ chè, bàn, ghế... Nhiều loại sản phẩm đặc sắc, quý giá xuất phát từ đôi tay người thợ làng Tre đã được cung tiến vua, dùng trong cung đình và các gia đình quyền quý.
Không biết bạn có cảm giác thế nào khi đặt chân đến Đại Nghiệp, nhưng với tôi, 20 năm qua, Đại Nghiệp đã thay đổi nhiều với khung cảnh nông thôn mới khang trang, hiện đại. Những con đường bê tông, những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, những cột đèn cao áp, những panô, biển hiệu hai bên đường tạo nên dãy “phố làng” hiện đại. Nhưng nổi bật nhất chính là tiếng cưa, tiếng đục, tiếng bào lách cách, râm ran của các xưởng mộc vang lên rộn rã, vui tai.
Khảm trai ở xã Chuyên Mỹ
Các cụ cao niên trong làng kể rằng: Nghề mộc ở làng Tre xuất hiện từ khoảng thế kỷ 18. Sản phẩm chủ yếu của làng mộc Đại Nghiệp là các loại đồ gỗ cao cấp như sập, tủ quần áo, tủ thờ, khay, hộp, bàn, ghế, giường... với những hoa văn, đường nét chạm trổ tinh vi gắn với các tích truyện dân gian. Tất cả sản phẩm đều được chăm chút rất cẩn thận, tỷ mỉ. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm chủ yếu là gỗ gụ, ngoài ra còn có gỗ hương và các loại gỗ mới nhập khẩu từ Nam Phi, Lào, Campuchia... Với các mặt hàng đa dạng về chủng loại và mẫu mã, sản phẩm gỗ gia dụng của người dân Đại Nghiệp đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, những sản phẩm tinh xảo, chất lượng còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Hiện nay, Đại Nghiệp là một trong những làng nghề phát triển nhất Phú Xuyên. Đại Nghiệp có trên 600 hộ thì có đến hơn 80% số hộ làm nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp và nhiều hộ gia đình sản xuất vệ tinh quanh vùng. Trải qua hàng trăm năm gìn giữ và phát triển, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, các nghệ nhân, thợ giỏi làng Đại Nghiệp luôn đau đáu với tình yêu nghề da diết, mong muốn giữ gìn và phát triển những nét tinh hoa của làng nghề truyền thống mà cha ông để lại.
Năm 2019 với nhiều khởi đầu tốt đẹp, sức sống của những làng nghề truyền thống từng bước vươn lên, chiếm lĩnh thị trường, người dân Phú Xuyên càng khẳng định thực hiện nghiêm túc, xuất sắc theo định hướng chỉ đạo của ban lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên. Hơn trăm làng nghề truyền thống được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện Phú Xuyên đã vượt qua những rào cản, khó khăn của thực tế để cùng phát triển, hội nhập với đất nước.
Sông Trăng/baotnvn.vn