Chân dung đại thi hào Rabindranath Tagore chụp tại Sài Gòn năm 1929
Gurudev Rabindranath Tagore (1861-1941) là đại diện tiêu biểu của văn hóa Ấn Độ, được tôn vinh là một trong “Tam vị nhất thể” của Ấn Độ hiện đại, cùng với Mahatma Gandhi và Jawarharlal Nehru.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Tagore đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: khoảng 1000 bài thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết cùng hàng trăm truyện ngắn, bút kí, tiểu luận… 2000 tranh vẽ; hơn 2000 bài hát và nhờ đó đã sáng tạo nên Rabindra Sangeet – một thể loại âm nhạc Bengal mang tên ông.
Tượng Tagore được trưng bày ở Bảo tàng Văn học Việt Nam
Ở Việt Nam, Tagore đã trở thành một cái tên rất đỗi quen thuộc. Những tác phẩm của ông đã một thời nằm trong tủ sách “gối đầu giường” của biết bao thế hệ độc giả: Mây và mặt trời, Lá số tử vi, Những bậc tắm bên sông, Chúng tôi xin tôn anh làm vua… Trong đó nổi bật nhất chính là tập thơ “Lời dâng”(Gitanjali), tác phẩm đã mang về cho ông giải Nobel Văn học năm 1913.
Đại thi hào Tagore gặp gỡ các trí thức Sài Gòn nhân chuyến thăm năm 1929
Nhân kỉ niệm 90 năm đại thi hào Tagore đến Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức lễ dâng hương trước tượng đại thi hào Tagore ở Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh, ba ngày thăm Sài Gòn của đại thi hào Tagore cách đây 90 năm thực sự trở thành một mốc son đáng nhớ trong lịch sử giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tài năng thơ ca xuất chúng của đại thi hào Tagore đã khơi nguồn cảm hứng để nhiều nhà thơ tên tuổi của Việt Nam dịch các tác phẩm của ông sang tiếng Việt như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi...
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish dâng hương trước tượng đại thi hào Tagore
“Đại thi hào Tagore là thiên tài của những thiên tài, bởi trong ông hội tụ tố chất của nhiều thiên tài cộng lại. Ông vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ, họa sĩ và triết gia…” – nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.
Đoàn dâng hương đại thi hào Tagore chụp ảnh lưu niệm
Tại lễ dâng hương, giáo sư Bidyut Chakrabarty, Phó hiệu trưởng Đại học Visva-Bharti, ngôi trường do đại thi hào Tagore sáng lập tại Shantiniketan,Tây Bengal bày tỏ sự xúc động khi được đứng trước bức tượng của đại thi hào Tagore tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Giáo sư Bidyut Chakrabarty cho biết, nhân loại nhớ đến Tagore không chỉ bởi những lời thơ dâng hay những di sản đồ sộ trong âm nhạc và hội họa, mà trên hết, ông chính là một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại. Tư tưởng của ông về triết lý nhân sinh cao cả (đề cao con người, đồng cảm với những thân phận nô lệ), triết lý về “sự thống nhất thông qua đa dạng” vẫn luôn có ý nghĩa vĩnh cửu không chỉ với Ấn Độ mà trên toàn thế giới.
Giáo sư Bidyut Chakrabarty, Phó hiệu trưởng Đại học Visva-Bharti, ngôi trường do đại thi hào Tagore sáng lập tại Shantiniketan,Tây Bengal
"Tôi ở đây để truyền tải thông điệp của đại thi hào Tagore rằng chúng ta phải đề cao chủ nghĩa nhân văn. Không có sự khác biệt về văn hóa hay tư tưởng, chúng ta đều chung một giống nòi. Là một phần của trường đại học Visva Bharti mà đại thi hào thành lập vào năm 1921, tôi mong muốn lan tỏa thông điệp mà Tagore vẫn luôn tin tưởng. Đó là thay vì suy nghĩ về những lằn ranh giới bó hẹp giữa các quốc gia, chúng ta hãy nghĩ rộng hơn về chủ nghĩa nhân văn, bởi chúng ta đều là một, cho dù ở những nơi khác nhau thì chúng ta vẫn là một" - Giáo sư Bidyut Chakrabarty chia sẻ.
Tại lễ dâng hương, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho biết sẽ trao tặng Bảo Tàng Văn học Việt Nam những hiện vật quý giá: những bức ảnh, những bài báo in về chuyến thăm Sài Gòn cách đây gần một thế kỉ của về đại thi hào Tagore.
Những tư liệu quý giá này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam và là biểu tượng rõ ràng nhất về sự gắn kết văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.
Anh Vũ - Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey