“Ám ảnh những ranh giới được phân định bằng… rác” |
Triển lãm “Hãy cứu biển” trưng bày hơn 100 bức ảnh được lựa chọn trong số hơn 3000 bức ảnh do nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng) - được UNDP lựa chọn là “Đại sứ Đại dương xanh”- chụp dọc 3000km đường bờ biển, tại 28 tỉnh thành và hơn 100 cửa sông.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam và Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng tại triển lãm
Chia sẻ về chuyến hành trình, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng cho biết, anh đã mất gần 1 năm để tìm hiểu về rác thải nhựa, tuy nhiên, những gì diễn ra trong thực tế thực sự khiến anh ngỡ ngàng. “Có những nơi người dân thu gom rác, rồi để giữa hai xóm làng mà tôi gọi đó là lằn ranh giới. Ranh giới giữa hai nhà bẩn, ranh giới giữa hai thôn bẩn, ranh giới giữa hai xã bẩn…”
“Tôi đã nhận ra rằng, ranh giới là nơi mà người ta nghĩ rằng, rác đã được vứt ra khỏi nhà của mình là sẽ trôi đi đâu đó, nghĩa là nhà của họ đã sạch sẽ. Nhưng thực ra không phải, rác thải nhựa sẽ quay lại, quay lại trong chính thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống…” – nhiếp ảnh gia Lekima Hùng chia sẻ.
Trên cung đường thực hiện bộ ảnh, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã đặt chân đến nhà máy xử lý rác thải hiện đại nhất thế giới tại Quảng Bình và được giám đốc cho biết, tất cả rác đều là do con người tạo ra. Và thực tế là con người đều có khả năng thu gom và xử lý rác. Nhưng chúng ta chưa thực sự muốn làm mạnh việc đó. Đó là vấn đề nhận thức.
“Cùng nâng cao ý thức về rác thải nhựa mới tạo ra một Việt Nam xanh” |
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho biết: “Những bức ảnh này được trưng bày ở đây có tác dụng hơn nghìn lời nói. Chúng tôi chỉ muốn nâng cao ý thức của người dân về vấn nạn “ô nhiễm trắng”, tức là ô nhiễm rác thải nhựa”
“Làm sao chúng ta có thể dửng dưng với hình ảnh những đứa trẻ ngụp lặn bơi trong rác? Chúng ta có thể chỉ cần đóng góp công sức nhỏ, ở cấp địa phương: hãy nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hãy giảm thiểu những gì không cần sử dụng và hãy sử dụng lại những gì có thể.”
Cô Hoàng Vĩnh Hạnh, một cán bộ bảo tàng đã nghỉ hưu cho biết: “Nhìn những bức ảnh tại triển lãm, tôi thực sự cảm thấy ám ảnh về vấn nạn rác thải nhựa đối với đất nước vốn có hơn 3000km đường biển vô cùng đẹp của chúng ta. Biển đã bị tàn phá quá nhiều bởi chính con người. Đó là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, rõ ràng.
Cô Hoàng Vĩnh Hạnh, cán bộ bảo tàng đã nghỉ hưu
“Chúng ta phải hành động ngay. Là một người nội trợ, tôi nghĩ rằng mình có thể đóng góp bằng việc mang theo túi và hộp để thực phẩm mỗi khi đi chợ. Nếu có buộc phải dùng túi nilon thì cố gắng giữ sạch để tái sử dụng nhiều lần.”
Triển lãm “Hãy cứu biển” sẽ kéo dài đến hết ngày chủ nhật, 9.6.2019 tại 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hãy cùng ngắm những bức ảnh ấn tượng tại triển lãm “Hãy cứu biển”:
Anh Vũ – Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey