Tối 10/12, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, lễ khai mạc Tuần lễ văn hóa - Du lịch Đất Mũi với chủ đề Điểm hẹn Mũi Cà Mau.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau
Công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xây dựng tháng 1/2016 tại xã Đất Mũi, được thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, xây kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển. Công trình có công năng sử dụng đa năng, có khu vực phục vụ biểu diễn lễ hội, có thang dẫn lên kỳ đài phục vụ khách tham quan du lịch, có khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử. Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau trong tương lai, sẽ là bảo tàng thiên nhiên của Đất Mũi.
Về Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đất Mũi lần này, tỉnh Cà Mau tổ chức mở rộng, mời Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cùng một số đại diện quốc tế... tham dự. Tuần lễ có chuỗi sự kiện quảng bá hình ảnh đẹp, hấp dẫn của tỉnh cực nam Tổ quốc đến khách du lịch trong và ngoài nước, với thiên nhiên trong lành, văn hóa, ẩm thực phong phú.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa nhiều giai thoại, mẩu chuyện hào hùng về những con người đất Mũi, đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng và lưu dấu ấn di tích như Bến Vàm Lũng, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích Hòn đá bạc- Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12; Di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển... Mỗi di tích đã chạm khắc tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên.
Là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong hành trình mở cõi, Thủ tướng cho rằng, Cà Mau chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước, đậm chất bản địa. Những lễ hội như lễ hội nghinh Ông, lễ vía bà Thiên hậu, lễ hội mừng năm mới Chol Chnam Thmay của người Khmer. Tất cả toát lên nét tín ngưỡng văn hóa đặc trưng, thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer.
Sự tài hoa và khéo léo của người Cà Mau được thể hiện qua những sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng, như chiếu Tân thành, tôm khô Rạch gốc, hầm than đước Ngọc Hiển, mắm Ba Khía Rạch Gốc... đã góp phần đa dạng hóa nét văn hóa, từ đó làm giàu cho các sản phẩm du lịch Mũi Cà Mau.
Khác biệt hơn tất cả các mảnh đất khác, đất mũi Cà Mau còn nổi tiếng là nơi “đất biết nở, rừng biết đi, bờ biển sinh sôi”. Đó là bờ biển dài 250 km từ Đông sang Tây trong vùng biển thềm lục địa thuộc chủ quyền 71.000 km2; đó là dẫy rừng ven biển ngập mặn, ngập lợ, cả rừng tràm nằm sâu trong đất liền, tạo nên hệ sinh thái động thực vật Phong Phú; đó là khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ...
Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc
Với tài nguyên du lịch phong phú và bản sắc, năm nay, Cà Mau dự kiến sẽ thu hút khoảng 1,7 triệu lượt khách. Thủ tướng đánh giá, đây là kết quả khá tích cực và rất ý nghĩa trong bối cảnh điểm yếu về giao thông kết nối cơ sở hạ tầng và nhiều nút thắt khác đặt ra cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Cà Mau nói riêng.
Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ là một trong những hướng đi bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau. Những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Cà Mau thời gian qua rất đáng khích lệ đã góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tuần văn hóa du lịch Mũi Cà Mau là một cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Cà Mau giàu tiềm năng, năng động, cởi mở, một mũi Cà Mau khát vọng rẽ sóng ra khơi xa. Đặc biệt nhân sự kiện quảng bá du lịch quan trọng này chúng ta long trọng tổ chức khánh thành Cột cờ mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng cho Cà Mau. Đây là việc có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, thể hiện mối tình tình cảm sâu sắc của Hà Nội với Cà Mau và của cả nước với Cà Mau. Cột cờ Cà Mau tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam".
Thủ tướng cũng đánh giá, du lịch là tiềm năng lợi thế so sánh nổi bật ở Cà Mau, cả về điều kiện tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc. Ngành du lịch toàn cầu đang tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ theo những nhu cầu thị hiếu mới của du khách. Đó là phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và cộng đồng. Xu hướng phát triển này rất phù hợp với tiềm năng lợi thế của Cà Mau. Vì thế, Thủ tướng kỳ vọng rằng Tuần văn hóa du lịch Mũi Cà Mau sẽ là sự khởi đầu cho những thảo luận trao đổi, khơi dậy niềm cảm hứng mới, quyết tâm mới có nhiều ý tưởng mới, hợp tác mới giúp du lịch Cà Mau tăng tốc thời gian tới.
Trong quá trình phát triển, Thủ tướng cho rằng, Cà Mau cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước, khai thác có hiệu quả lợi thế của khu sinh quyển thế giới trong việc phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc.
Thủ tướng nhấn mạnh, “nụ cười tỏa nắng” của đại sứ du lịch là hình ảnh thu hút quảng bá, hình ảnh của một quốc gia, một vùng đất. Trong trong thời đại số, trong kỷ nguyên du lịch thông minh ngày nay, “nụ cười tỏa nắng” của mỗi người dân Cà Mau đại diện cho sự thân thiện, hồn hậu, tận tâm với du khách, là cách quảng bá và phát triển du lịch hiệu quả nhất, bền vững nhất và chi phí thấp nhất./.
Vũ Dũng/VOV/VOV.VN