Ở các nước theo đạo Thiên chúa, việc tổ chức lễ cưới tại nhà thờ là điều bắt buộc. Tại một số quốc gia khác, dù không theo tôn giáo, nhưng nhiều cặp đôi vẫn chọn tổ chức nghi lễ cưới tại nhà thờ, hoặc tại đền chùa.
Nhật Bản là quốc gia phổ biến cả hai hình thức cưới: tại đền Thần đạo và tại Nhà thờ. Ảnh: Staffan Ekstrand/Pixabay
Tại Việt Nam, tuy Phật giáo phát triển khá mạnh, song nghi lễ cưới chủ yếu diễn ra tại gia đình. Một vài năm trở lại đây, xu hướng làm lễ cưới trong chùa (lễ Hằng Thuận) đã bắt đầu xuất hiện. Đây là một nghi thức cưới đặc biệt được tổ chức trong không gian tâm linh tín ngưỡng của Phật pháp, dưới ban Tam bảo và sự chứng kiến của các sư tăng, sư ni và quan khách.
Theo GS - KTS Hoàng Đạo Kính - thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, lễ Hằng Thuận được tổ chức trong chùa trước ban Tam Bảo, vừa thể hiện sự trang nghiêm, kính cẩn, vừa như suối nguồn trong trẻo gột rửa những bụi bặm trần tục để hướng đến sự thanh tịnh, an lành.
Còn theo Thượng tọa Thích Huệ Thông - Trưởng Ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, lễ Hằng Thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể trong chùa, mục đích chính là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc.
Trong lễ Hằng Thuận, ngoài một vài nghi lễ truyền thống của đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận những lời chúc phúc của hai họ, nghi thức Hằng Thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn của đạo Phật.
Toàn cảnh một lễ Hằng Thuận ở chùa Thiên Phúc, Hà Nội:
Cô dâu chú rể và gia đình hai bên tụng kinh cầu phật gia hộ
Đôi bạn đời lễ phật, lễ cha mẹ 2 bên Thượng toạ chùa Thiên Phúc trao nhẫn cho đôi vợ chồng
Hòa thượng Thích Thanh Hưng, trụ trì Chùa Thiên Phúc, phố Hai Bà Trưng, TP Hà Nội nói khi trao nhẫn: “Một người nóng, một người phải lạnh, cả 2 cùng nóng gia đình tan nát. Trong buổi Lễ Hằng Thuận hôm nay, thầy trao nhẫn cưới cho 2 con không chỉ đơn thuần là chiếc nhẫn là vật chất mà thầy muốn gửi tới 2 con một thông điệp cao cả hơn đó là các con hãy mang theo mình chữ "nhẫn" trong suốt cuộc đời.”
Vợ chồng trao nhẫn cho nhauNgười cao tuổi trong họ căn dặn đôi trẻ sống với nhau thế nào đề phải đạo vợ chồngThượng toạ trao giấy chứng nhận vợ chồng
Mai Lan/ Vietnam Journey