Ngôi làng nổi danh với nghề điêu khắc mộc cung đình |
Làng nghề điêu khắc Nhân Hiền cách trung tâm Hà Nội chừng 25km. Cũng giống những làng nghề truyền thống khác, đến thôn Nhân Hiền, từ xa, người ta cũng cảm nhận được không khí lao động nhộn nhịp bằng mọi giác quan: nghe được tiếng lách cách của những nhát đục, nhát gõ, ngửi được mùi gỗ mới, sờ được những khối gỗ từ sần sùi, thô ráp đến trơn bóng, nhẵn nhụi…
Anh Nguyễn Học Tiến mất gần 2 tháng để đục thô bức tượng Phật Di Đà |
Từ bàn tay và khối óc, cộng với tâm huyết được truyền từ đời cha ông, những nghệ nhân điêu khắc Nhân Hiền vẫn ngày ngày tay đục, tay đẽo để tạc nên những pho tượng tinh xảo, cầu kỳ dùng để trang trí, trưng bày trong gia đình hay thờ trong các ngôi chùa trên cả nước.
Chị Hoàng Thị Lan phụ trách công đoạn gọt nhẵn tượng |
Từ một khúc gỗ, người thợ sẽ cắt ra theo đúng tỉ lệ kích cỡ khách hàng đặt, sau đó dựa vào bản phác thảo trên giấy mà chia tỉ lệ khối gỗ cho cân đối. Tiếp đó là khâu đục khắc, đẽo gọt gỗ để tạo nên dáng hình tượng. Công đoạn này cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, với những bức tượng kích cỡ lớn có khi phải mất tới mấy tháng ròng.
Mỗi bức tượng đều có diện mạo, thần thái khác nhau |
Bước cuối cùng, nhưng là khâu quan trọng nhất, là “làm diện”, tức là khắc tạc nên khuôn mặt của bức tượng. Thường khâu này chỉ có những nghệ nhân tay nghề cao đảm nhận, bởi không phải ai cũng có thể đủ khéo léo, tài hoa và tâm huyết để “thổi hồn” cho tượng.
Tạc nên thần thái trên khuôn mặt tượng là khâu quan trọng nhất trong quá trình điêu khắc gỗ |
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Trúc chia sẻ: “Một bức tượng được coi là hoàn thiện khi người đối diện nhìn vào là có thể cảm nhận được thần thái, tính cách, tình cảm…của chính pho tượng tưởng chừng như chỉ là khúc gỗ vô tri, vô giác”
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Trúc đang tỉ mỉ tạc diện mạo của tượng |
Ông Hoàng Minh Văn, trưởng thôn Nhân Hiền đồng thời cũng từng là một nghệ nhân điêu khắc khẳng định, tượng cũng như… người vậy. Để cảm nhận vẻ đẹp của một pho tượng, trước tiên phải nhìn vào thần thái trên khuôn mặt.
Ông Hoàng Minh Văn, trưởng thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội |
“Tại sao có nhiều thợ điêu khắc nhưng chỉ số ít được gọi là nghệ nhân? Bởi không phải ai cũng có thể thổi hồn cho tượng được. Nghệ nhân là người tạc nên những bức tượng mà khi nhìn vào có cảm giác sinh động, ánh mắt tượng phải “thật”, nụ cười phải “có hồn”.
"Chẳng hạn, nếu là tượng Hộ pháp thì phải uy nghiêm, mạnh mẽ, thậm chí có phần… dữ dẵn; nếu là ông phỗng thì nét mặt phải vui tươi, hỉ hả, thoải mái, đặc biệt, nếu là tượng Phật thì phải vừa hiền, vừa phúc hậu, phải toát lên vẻ từ bi, hỉ xả…” – ông Hoàng Minh Văn chia sẻ.
Gương mặt của tượng Phật phải vừa hiền, vừa phúc hậu, toát lên vẻ từ bi, hỉ xả |
Điều đặc biệt, không giống như các làng nghề điêu khắc khác, mộc điêu khắc ở Nhân Hiền thường là mộc cung đình, nghĩa là mộc chạm để làm đình, chùa và các pho tượng thờ… nên phải chú trọng đến các chi tiết tinh xảo chứ không đơn thuần là tạc tượng.
Thổi hồn cho những phiến đá: Bước chuyển mình ấn tượng |
Không chỉ điêu khắc trên chất liệu gỗ, theo lời nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phú, một người thợ điêu khắc nổi danh trong vùng, vào khoảng những năm 1989, Nhân Hiền bắt đầu điêu khắc trên chất liệu đá.
Từ nguyên liệu đá tấn mài, (tên địa chất là pyrophyllite) với đặc tính là độ cứng không cao, người thợ có thể chế tác ra nhiều tượng đá tinh xảo: đồ thờ, tranh, phù điêu, tượng Phật.
Tượng Phật đá được chạm khắc cầu kỳ |
Dù điêu khắc trên chất liệu gỗ hay đá thì vẫn phải tuân theo các công đoạn của kỹ nghệ điêu khắc. Điêu khắc trên đá vẫn phải bắt đầu từ đục thô (hay còn gọi là phá phôi), cho đến đục tinh, tức là quá trình chạm khắc tinh xảo mà nghệ nhân phải rất cẩn trọng trong từng chi tiết...
Những sản phẩm điêu khắc đa dạng mẫu mã, chủng loại của Nhân Hiền |
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phú chia sẻ về giai đoạn những năm 1993-2005 được coi là những năm tháng cực thịnh của dòng sản phẩm điêu khắc đá Nhân Hiền.
“Thời điểm đó, cả làng chuyển sang điêu khắc đá. Không chỉ có Nhân Hiền, mà còn lan sang một số làng khác: Hưng Hiền, Quang Hiền, Dư Dụ… của huyện Thường Tín. Sản phẩm điêu khắc đá được tiêu thụ mạnh tại thị trường TPHCM, và còn xuất khẩu sang Lào và Campuchia”
“Sau năm 2005, nghề điêu khắc đá dần bão hòa, không còn ở thời điểm hoàng kim nữa, nhưng những sản phẩm điêu khắc của Nhân Hiền vẫn có được chỗ đứng riêng ở thị trường trong nước, và đang hướng tới chinh phục những thị trường “khó tính” như Nhật Bản, EU…” – nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phú chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phú giới thiệu về quy trình làm nên một tác phẩm điêu khắc đá |
Một điều trăn trở đặt ra với các làng nghề truyền thống hiện nay là thực trạng thiếu người kế cận. Nhưng thực tế, theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phúc, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền dường như nằm ngoài quy luật đó.
“Thế hệ trẻ ở làng nghề này học Khoa Điêu Khắc, Đại học Mỹ thuật rất đông, có thể nói là chiếm đại đa số các bạn sinh viên trong trường. Khi các cháu lĩnh hội được kiến thức trong trường Đại học, sẽ quay trở lại địa phương và tiếp tục làm nghề.
“Chính sự kết hợp giữa nghề truyền thống cha ông với những kiến thức bài bản ở trường Đại học đã thổi một luồng gió mới vào nhiều sản phẩm điêu khắc của chúng tôi, khiến chúng có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại” – ông Nguyễn Minh Phúc chia sẻ.
Một tác phẩm điêu khắc dùng để trang trí nội thất |
Những lớp nghệ nhân tâm huyết ngày ngày miệt mài truyền lửa, cộng thêm đam mê tiếp nối của thế hệ trẻ đã, đang và sẽ mang danh tiếng của làng nghề điêu khắc Nhân Hiền vang xa hơn…
Mời quý vị khán giả đón xem chương trình "Làng nghề Việt - Tinh xảo điêu khắc Nhân Hiền", sẽ phát sóng trên Kênh truyền hình Vietnam Journey lúc 19h45 ngày 20/8/2019. |
Anh Vũ/ Vietnam Journey