Ở bất cứ đâu, cây cầu luôn là công trình dễ nhận biết, bởi đặc điểm nằm vắt ngang dòng chảy của sông hay bề mặt của hồ, giao hòa cùng khung cảnh thiên nhiên, với khung trời rộng mở như làm phông nền để tô điểm cho hình ảnh của cây cầu. Và cầu trong không gian thành phố luôn chứa đựng hoạt động đô thị sống động của con người.
Chậm rãi đi trên làn đường nhỏ hẹp của cầu Long Biên, ngắm nhìn các bạn trẻ và cả những người nước ngoài đang vui cười chụp ảnh với cây cầu mang dấu ấn hơn một thế kỷ thăng trầm cùng Thủ đô và đất nước, chợt nghĩ: Cầu Long Biên có thể khiêm tốn hơn nhiều so với những cây cầu nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn điềm nhiên là một biểu tượng đầy tự hào của Thủ đô. Bởi lẽ nó đã hội tụ được đủ ba yếu tố: Tác phẩm kiến trúc - xây dựng; mang ý nghĩa ước lệ của cuộc sống; là một không gian đô thị sống động gắn liền với giá trị lịch sử. Xét ở góc độ này thì cầu Long Biên cũng giống như cây cầu Thê Húc bằng gỗ nhỏ bé soi bóng mặt nước Hồ Gươm, từ lâu đã là một biểu tượng thiêng liêng, lắng đọng không chỉ trong lòng người Hà Nội.
Những cây cầu, dù nhỏ hay to, đều mang trong mình những câu chuyện riêng. Mỗi chặng thời gian cũng để lại trên những cây cầu dấu ấn của lịch sử. Kết nối từ quá khứ đến hiện tại, mỗi cây cầu đều cho các thế hệ sau những ký ức và bài học đáng suy ngẫm.
Từ cầu Long Biên thời thuộc địa, cầu Thăng Long, Chương Dương của quãng thời gian đầy gian khó trước đổi mới, giai đoạn của kiến trúc cầu kết cấu bằng thép đã nhường chỗ cho những cây cầu bê tông như Vĩnh Tuy, Thanh Trì - Phù Đổng, Đông Trù… của thời kỳ đất nước băng mình vượt khó bằng ý chí tự cường mãnh liệt. Trong đó, sự xuất hiện trên sông Hồng, cầu Nhật Tân với kết cấu dây văng hiện đại, đánh dấu sự chuyển mình kỳ diệu của Thủ đô lên tầm cao mới.
Từ chỗ hoàn toàn “nhập khẩu” từ thiết kế đến thi công, từ chỗ chỉ biết sửa chữa những cây cầu bị phá hoại trong chiến tranh, từ chỗ vừa học, vừa làm cùng các chuyên gia nước ngoài, trong vòng 40 năm trở lại đây, thợ cầu Việt Nam đã tiến lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của thế giới để xây dựng các cây cầu cho Hà Nội như: Chương Dương, Phù Đổng, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh… Tất cả đều được thực hiện bởi khối óc và bàn tay người Việt. Đó là niềm tự hào về trí tuệ, bản lĩnh, ý chí con người Việt Nam, mà Hà Nội chính là nơi khởi nguồn cho những thành tựu trên lĩnh vực quy hoạch, thiết kế, xây dựng cầu.
Tản bộ trên cây cầu Long Biên lịch sử, ngắm dòng sông Hồng cuộn chảy, nhìn dòng xe ngược xuôi bên cầu Chương Dương, xa xa là cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy, mới thấy việc lựa chọn vị trí hai cây cầu sắt đầu tiên của Thủ đô (bắc qua sông Hồng) chứa đựng những bài học nhiều giá trị. Chúng đều được đặt ở nơi dòng sông có chiều ngang hẹp nhất, đồng nghĩa với chi phí xây dựng cầu thấp nhất. Và nữa, nếu người Pháp xây dựng cầu Long Biên với mục tiêu ưu tiên rõ ràng cho tuyến đường sắt, để phần dành cho phương tiện cá nhân hai bên thành cầu thật nhỏ bé, thì người Việt Nam đã dành cho cây cầu Chương Dương chức năng hỗ trợ, bổ sung phần thiếu hụt của cầu Long Biên.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đưa vào sử dụng, cầu Chương Dương giờ đang phải gánh chịu ách tắc giao thông do sự tăng trưởng các phương tiện giao thông cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ở khu vực quận Long Biên. Song, phải từ thực tiễn ấy mới nhận thấy tầm nhìn của các chuyên gia Pháp và Liên Xô (cũ) khi quy hoạch, thiết kế hai cây cầu Long Biên, Thăng Long. Sau hai cây cầu này, chưa có cây cầu nào ở Thủ đô được kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt. Phân tích kỹ về mặt cấu trúc cầu, rõ ràng việc sử dụng phương tiện giao thông đường sắt được ưu tiên trong suy nghĩ của những người quy hoạch, thiết kế cầu Long Biên và cầu Thăng Long thể hiện tầm nhìn chiến lược và còn nguyên giá trị đến hôm nay. Đó là bài học thực tiễn của các thế hệ đi trước, được tiếp thu, áp dụng phù hợp với bối cảnh hiện nay và trong tương lai. Đặc biệt, dọc theo các tuyến cầu là đường sắt đô thị đang hình thành trong không gian thành phố. Một hình ảnh hoàn toàn mới của Thủ đô nghìn năm tuổi.
Cầu Nhật Tân với năm nhịp tháp tượng trưng cho năm cửa ô Hà Nội. Ảnh: Trần Kháng
Trong đêm đầy sao, đứng trên tầm cao Hà Nội hôm nay nhìn ra thấy cầu Nhật Tân tỏa sáng thật lung linh, rực rỡ. Vậy là sau hơn một thế kỷ từ khi xuất hiện cây cầu Long Biên mang hình ảnh “con rồng thép”, biểu tượng của một Hà Nội cận đại đẹp đẽ, mạnh mẽ và hào hùng, Thủ đô giờ đã có thêm cầu Nhật Tân với năm nhịp tháp tượng trưng cho năm cửa ô Hà Nội một thời. Và khi đứng bên Hồ Gươm ngắm dáng hình tựa dải lụa của cây cầu Thê Húc nhỏ bé qua ánh sáng của không gian đậm đặc huyền tích, bỗng nhận ra cầu Thê Húc, cầu Long Biên và cầu Nhật Tân là những cây cầu tiêu biểu cho những giai đoạn lịch sử nhất định.
Và dù mỗi cây cầu khoác trên mình vẻ đẹp riêng nhưng chúng đều có tính thẩm mỹ rất cao. Đã đến lúc tính mỹ học trong kiến trúc cầu cần được đặt song hành với công năng khi thiết kế. Thậm chí có thể làm đẹp cả những cây cầu đang hiện hữu, kể cả phần đường dẫn, dù là cầu vượt sông hay cầu cạn trong đô thị, có thể phủ xanh bằng những thảm cây như các đô thị sinh thái trên thế giới, hay cầu kỳ hơn như những bức phù điêu gốm sứ dưới nút cầu Chương Dương, hoặc bằng những ánh đèn nghệ thuật như Hà Nội đang làm ở cầu Nhật Tân, Thê Húc. Những cây cầu sẽ hình thành ở Thủ đô trong tương lai rất cần những thiết kế có chất lượng thẩm mỹ cao để tạo nên những điểm nhấn hoàn mỹ trong lòng thành phố.
Hà Nội bước vào chớm đông, gió heo may rít từng hồi trên những thanh sắt nhuốm màu thời gian của cây cầu Long Biên lịch sử. Thật mừng khi dự án cải tạo 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên đang được cơ quan chức năng nghiên cứu để triển khai. Cây cầu trăm tuổi dù là vật vô tri nhưng luôn là cảm hứng làm nên các ý tưởng sáng tạo, tạo động lực phát triển mới cho thành phố. Và mỗi cây cầu, dù nhỏ bé hay lớn lao, cũng góp phần làm nên một diện mạo Thủ đô nghìn năm yêu dấu, để ngày mai luôn phát triển, tươi sáng hơn ngày hôm qua.
KTS Vũ Hoài Đức/ hanoimoi.com.vn