Ra đời từ tháng 8/2008, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”.
Hàng năm, Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo Giải thưởng sẽ lựa chọn và công bố danh sách đề cử chính thức của Giải thưởng và trao giải trên cơ sở danh sách đó.
Một tác phẩm của nhóm Ký họa Hà Nội trưng bày tại triển lãm
Để vinh danh những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm trong danh sách đề cử chính thức năm nay, Triển lãm sẽ giới thiệu các cuốn sách được đề cử như: “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý; “Kim Liên một thuở” của Vũ Công Chiến; “Hà Nội quán xá phố phường” của Uông Triều.
Triển lãm cũng sẽ giới thiệu những thông tin, hình ảnh về “Các hoạt động tích cực của TP Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội “thành phố vì hòa bình”; “Nỗ lực của TP Hà Nội và cả cộng đồng trong việc yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" bên Hồ Gươm”; “Các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cả cộng đồng người dân Hà Nội”; Việc xây dựng đường đua xe công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4/2020.
Đáng chú ý là khoảng 60 bức ký họa về một Hà Nội dịu dàng, đầy thương nhớ do các thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội sáng tác đã được lựa chọn, trưng bày tại Triển lãm. Đây là những tác phẩm xuất sắc mà 4.000 thành viên của nhóm đã đi đến các công trình, góc phố, các khu tập thể cũ… để chuyển tải cái hồn Hà Nội vào tranh. Họ tin rằng, du khách khi nhìn thấy những bức ký họa ấy sẽ ngay lập tức bị hút hồn bởi vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của đô thị này.
Chùa Quán Sứ
Bên cạnh đó, đến với Triển lãm, chắc chắn công chúng sẽ có một cái nhìn rất khác về tương lai của hàng trăm chợ truyền thống còn hiện tồn trên khắp các quận, huyện nội ngoại thành. Xô bồ, nhếch nhác, thiếu vệ sinh - đó là những liên tưởng của nhiều người khi nghĩ về các chợ truyền thống, chợ dân sinh… Nhưng gạt bỏ những định kiến ấy, không thể phủ nhận: chợ chính là một phần diện mạo và bản sắc của Hà Nội. Vấn đề là làm sao đánh thức những giá trị thương mại, du lịch, văn hóa ấy, thay vì tiếp tục để chợ nhếch nhác hoặc biến thành những trung tâm thương mại đồ sộ nhưng vắng khách?
3 đồ án thiết kế chợ Châu Long, chợ Ngọc Lâm và chợ Hạ trong triển lãm sẽ đưa ra một diện mạo mới về chợ truyền thống, khiến chúng ta phải ngạc nhiên, vì chúng quá gần gũi, thân thiện, và đẹp.
Chợ Châu Long
Xem triển lãm để nhận ra rằng, những ngôi chợ truyền thống của Hà Nội chúng ta xứng đáng trở thành những điểm đến văn hóa cho du khách thập phương, hay ít ra chúng cũng cần phải là những không gian mua bán sạch sẽ, tiện dụng, và văn minh hơn cho các chị em tiểu thương và cho cả những người nội trợ trong gia đình chúng ta.
Tất nhiên, để làm được điều đó cần phải hội tụ nhiều điều kiện, nhưng không bao giờ được thiếu điều kiện đầu tiên: phải có tình yêu đối với những ngôi chợ vẫn còn đang gánh vác một nhiệm vụ lớn: là nơi trao đổi, cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng triệu người dân Hà Nội.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 30/8/2019 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Hoài Nam/doanhnghiepvn.vn