Từ nghề thủ công tranh thủ lúc nông nhàn |
Cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, làng Thạch Xá, thuộc huyện Thạch Thất là một vùng quê yên bình. Đến đây, ai cũng đều cảm thấy lòng thư thái nhờ không gian làng quê Bắc Bộ yên bình, cổ kính, và đến đây, còn có thể tìm thấy cả một trời ký ức tuổi thơ qua những những món đồ chơi chuồn chuồn tre đơn sơ mà hấp dẫn.
Tre - nguyên liệu chính làm chuồn chuồn được phơi khắp làng |
Những người thợ thủ công đang tất bật vẽ trang trí sản phẩm |
Nghề làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá xuất hiện chừng 20 năm nay. Ban đầu chỉ là những con chuồn chuồn tre hoàn toàn mộc mạc, có phần “thô ráp”. Sau, với sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những người thợ thủ công trong làng đã biến những chú chuồn chuồn tre trở nên sinh động và có “hồn” hơn.
Những cánh chuồn chuồn tre bắt mắt |
Trông như thật... |
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tái, một trong những người thợ thủ công nổi danh trong vùng, để làm ra một con chuồn chuồn tre – món đồ chơi tưởng chừng đơn giản – cũng mất khá nhiều công phu. Đầu tiên phải phơi tre đủ nắng rồi chẻ nhỏ thành nhiều bước: chặt cánh, vót thân, uống cong mỏ, lắp ghép các bộ phận và cuối cùng là sơn màu và vẽ họa tiết.
Anh Nguyễn Văn Tái đang làm đế giữ chuồn chuồn |
“Một con chuồn chuồn tre từ hình dáng, kích thước, màu sắc cho đến khi giữ được thăng bằng và khoác “áo”… tất cả phải thật hài hòa. Rất khó để phân biệt công đoạn nào là quan trọng nhất bởi lẽ mọi khâu đều cần sự tỉ mỉ và khéo léo. Nhưng khó nhất là lúc lắp cánh vào thân để làm sao phải phân chia đều lực đối xứng hai bên cánh để chuồn chuồn có thể giữ thăng bằng trên mọi mặt phẳng: dù là ngón tay, đế hay thậm chí là…sợi chỉ” – anh Tái cho biết.
Chuồn chuồn hay bướm đều có thể đậu trên mọi mặt phẳng do khả năng giữ thăng bằng tốt |
Hiện mỗi ngày cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre của anh Tái làm được khoảng 400-500 con chuồn chuồn tre, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 người dân trong làng, cả những người tranh thủ lúc nông nhàn đến những người làm chuồn chuồn tre để kiếm nguồn thu nhập chính.
Chị Khương Thị Minh gắn bó với công việc làm chuồn chuồn tre gần 10 năm |
Bé Nguyễn Thị Thơm, học sinh lớp 8, tranh thủ nghỉ hè phụ giúp khâu vẽ trang trí chuồn chuồn |
Đến vươn cánh bay ra… thế giới |
Những cánh chuồn chuồn tre Thạch Xá không chỉ thu hút những người Việt Nam mà còn đặc biệt được du khách quốc tế yêu thích.
Anh Tái đang giới thiệu cho du khách về sản phẩm chuồn chuồn tre Thạch Xá |
Ông Edwin Hilkens, du khách Pháp chia sẻ, cách đây 5 năm, khi đến Việt Nam lần đầu tiên, ông đã mua những con chuồn chuồn tre ở phố cổ Hà Nội về làm quà lưu niệm cho người thân và bạn bè. “Từ đó, cứ nhìn những con chuồn chuồn là tôi lại nhớ đến Việt Nam. Trong lần quay lại Việt Nam này, tôi đưa cả gia đình đi và tìm đến khám phá ngôi làng làm ra sản phẩm thủ công tuyệt vời này” – ông Edwin Hilkens chia sẻ.
Không chỉ được ngắm nhìn các công đoạn làm chuồn chuồn tre, du khách đến đây còn được tự tay làm thử và trang trí họa tiết lên sản phẩm – công đoạn cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng.
Ông bà Edwin Hilkens và các con trai tự trang trí chuồn chuồn theo hướng dẫn của anh Tái |
Bà Nele Hilkens, vợ ông Edwin cho biết: “Làm chuồn chuồn không hề đơn giản. Sản phẩm của chúng tôi làm không đẹp bằng những người thợ chuyên nghiệp ở đây nhưng thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời”
Và tự hào khoe những sản phẩm của chính mình |
Bằng đôi bàn tay khéo léo sự sáng tạo, những “nghệ nhân” làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đã đa dạng hóa nhiều sản phẩm khác: chim bồ câu, bướm, rùa… Đến nay, sản phẩm thủ công này đã “bay” khắp cả nước từ Bắc vào Nam, thậm chí còn được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật…
Những chú bướm tinh xảo |
Những chú rùa ngộ nghĩnh |
Những chú chuồn chuồn mộc mạc |
Với tâm huyết của những người thợ thủ công khéo léo, những cánh chuồn chuồn tre của làng Thạch Xá vẫn đang lặng lẽ bảo tồn nghề truyền thống, lưu giữ ký ức tuổi thơ của trẻ nhỏ và vươn ra khỏi lũy tre làng, đến với bạn bè quốc tế.
Mời quý vị khán giả đón xem chương trình "Làng nghề Việt - Chuồn chuồn tre Thạch Xá", sẽ phát sóng trên Kênh truyền hình Vietnam Journey lúc 19h45 ngày 30/7/2019. |
Anh Vũ/ Vietnam Journey