Đây là dịp để người Chăm tưởng nhớ công lao các vị thần như Po Ina Nagar, Po Klong Garai, Po Rome... và dâng lễ cúng tổ tiên với lòng thành kính, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đình bình an.
Năm nay lễ hội được tổ chức từ ngày 27 đến 29/9. Các nghi thức lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận diễn ra chủ yếu ở 3 khu đền tháp, (đây là 3 trong số rất nhiều khu đền tháp mà người Chăm tổ chức cúng tế hàng năm).
Chiều 27/9, lễ đón rước y phục của nữ thần Po Ina Nagar - Thần Mẹ xứ sở ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đã được diễn ra. Tại sân vận động ở làng sẽ có màn múa hát tập thể của hơn 300 người, với màu sắc đậm chất Chăm của các tầng lớp dân làng.
Sáng 28/9 là ngày mùng 1/7 theo lịch Chăm, lễ dâng y trang và thực hiện nghi thức tắm, mặc y trang cho vua được diễn ra cùng lúc tại 3 nơi: Tháp Po Klong Garai, Tháp Po Rome và đền Po Ina Nagar. Mở đầu là cuộc đón rước, trao y trang và giao lưu văn hóa giữa người Chăm và người Raglai. Sau đó là lễ mở cửa tháp: Lễ tắm tượng thần: Lễ mặc y phục. Sau khi kết thúc nghi lễ, bên ngoài đền, tháp bắt đầu mở hội với rộn ràng trống Ginăng, kèn Saranai và các chàng trai, cô gái Chăm trong vũ điệu truyền thống đầy màu sắc hấp dẫn, thôi thúc mọi người.
Kết thúc lễ hội Katê là các hoạt động tín ngưỡng diễn ra tại các làng và gia đình được chủ trì bởi già làng uy tín, am hiểu phong tục tập quán, cầu nguyện với thần linh phù hộ độ trì cho dân làng sức khỏe bình an, được mùa màng, thịnh vượng. Sau khi làng cúng xong, các gia đình mới tổ chức cúng trong nhà. Vào ngày lễ này, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Tới lễ hội Katê, du khách sẽ được trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống như gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc tại tháp Pô Klông Garai, hội thi văn hóa, văn nghệ dân gian, thi trang phục Chăm...
Năm nay, tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức nhiều hoạt động như triển lãm chuyên đề hiện vật văn hóa Chăm Ninh Thuận - An Giang, giới thiệu món ăn truyền thống Chăm, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật tại khu trưng bày tháp Pô Klong Garai và Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm.
Vào năm 2017, lễ hội Katê đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một số hình ảnh ghi nhận không khí lễ hội tại làng Chăm Hữu Đức và Hậu Sanh:
Theo plo.vn