Làng nghề nước mắm Nam Ô được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia
Nghề làm nước mắm Nam Ô ở thành phố Đà Nẵng có từ lâu đời và gắn liền với tiến trình mở cõi vào phương Nam của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, đổi thay của thời gian, đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn tồn tại và phát triển. Đây không chỉ là sản phẩm ẩm thực không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân Đà Nẵng mà còn là biểu tượng văn hóa, có tính đại diện, thể hiện bản sắc của văn hóa cộng đồng địa phương.
Khi làng nghề được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia, anh Bùi Thanh Phú, chủ cở sở nước mắm Nam Ô Hương Làng rất tự hào: "Chúng tôi rất vui mừng, hãnh diện. Chúng tôi sẽ quyết tâm hơn nữa để phát triển làng nghề. Chúng tôi cũng cam kết sẽ đầu tư, phát triển thương hiệu nước mắm mạnh hơn nữa, mong muốn nó trở thành thương hiệu phổ biến trên toàn quốc và có thể ra nước ngoài để cạnh tranh".
Vinh danh làng nghề nước mắm Nam Ô
Trong khi nhiều loại nước mắm công nghiệp ra đời thì làng Nam Ô vẫn quyết giữ cách làm mắm truyền thống từ bao đời nay. Đặc biệt, trong thời buổi cạnh tranh, việc người tiêu dùng thông minh lựa chọn nước mắm sạch không hóa chất là một tín hiệu vui đối với bà con làng nghề. Hiện nay, nước mắm Nam ô đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các chợ lớn, siêu thị được người tiêu dùng ưa chuộng. Nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể.
Nước mắm Nam Ô đã có mặt ở nhiều siêu thị và chợ lớn
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Làng nghề nước mắm Nam Ô cho biết, hiện có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào Hội Làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và một doanh nghiệp. Nghề làm nước mắm đã tạo việc làm bền vững cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.
"Hướng tương lai của chúng tôi muốn ổn định thì các cấp nhà nước, lãnh đạo quan tâm cho chúng tôi dồn tất cả số người làm nước mắm vào một mối để chúng tôi dễ quản, bảo tồn được di sản văn hóa này. Vì khi hoạt động riêng lẻ thì sợ rằng bà con không thấy được giá trị của chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này" - ông Vĩnh nói.
Làng nghề nước mắm Nam Ô được đưa vào danh mục si sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Làng nghề nước mắm Nam ô có vị trí thuận lợi, gắn với các di sản văn hóa có lịch sử hình thành từ thời cha ông như: đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ dấu tích Chăm. Đó là điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch. Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” với kinh phí gần 5 tỷ đồng với mục tiêu cụ thể như: đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm; Xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố; Khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa dân gian của địa phương.
Gắn bảo tồn làng nghề với các hoạt động văn hóa dân gian
Theo ông Lê Văn Nghĩa, để đạt được mục tiêu này, cần sự chung tay của cộng đồng, người dân phải được đào tạo các kỹ năng về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã của nước mắm Nam Ô: 'Đây là di sản phi vật thể đầu tiên về ẩm thực của Việt Nam. Người dân ở đây rất háo hức, vui mừng, họ thấy được sự trân trọng giá trị bao đời nay họ làm nghề nước mắm. Đặc biệt trong thời gian tới, thành phố ban hành Đề án về Du lịch phát triển cộng đồng Nam Ô và đặc biệt là đề án “Khôi phục làng nghề nước mắm Nam Ô", sẽ chỉnh trang làng nghề, tạo điều kiện cho bà con về vốn và xây dựng thương hiệu, quảng bá đến tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam và trên thế giới"./.
Phương Cúc/VOV Miền Trung