Một góc vịnh Nam Chơn, xa xa là Làng Vân xưu
Hy Lạc Viên - hay còn gọi là Làng Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), là chốn nương thân của những phận đời mắc "tứ chứng nan y" - bệnh phong (hay còn gọi là bệnh hủi).
Hy hữu lắm mới thấy bóng trẻ con trên bờ cát
Nơi đây hiện nay rộ lên phong trào cắm trại qua đêm đón bình minh. Có 2 cách để đến được Làng Vân, có thể đi tàu từ bờ biển Nguyễn Tất Thành để vào làng hoặc gửi xe ở quán Hoa Sữa trên đèo rồi men con đường mòn xuống theo con đường bên lưng chừng núi. Có lẽ vì nơi đây cuộc sống cách biệt với thế giới bên ngoài nên cảnh đẹp còn giữ được vẻ nguyên khai, chưa bị con người phá hoại và can thiệp nhiều.
Làng Vân sau hơn 6 năm di dời dân đã chẳng còn gì
Làng nằm dựa lưng vào vách núi, hướng mặt ra vịnh Nam Chơn hiền hòa mà thiêm thiếp ngủ giấu nỗi đau đời. Đây từng là khu dân cư biệt lập của những người không may mắc bệnh phong (cùi, hủi) trú chân sau những chặng đường chạy trốn mỏi mệt tha phương để tránh sự hắt hủi, kì thị của chính gia đình, đồng bào. Sau chính sách di dời làng vào phố, làng Vân giờ chẳng còn ai, chỉ thi thoảng có người nhớ làng cũ nên tìm về và sống vài ngày rồi lại ngậm ngùi về phố.
Trong những ngôi nhà hoang tàn, thi thoảng vẫn có người ở vì họ nhớ làng
Đứa trẻ này theo ông trở về làng cũ, nơi ít nhiều có gắn chút kỷ niệm với tuổi thơ của chúng
Khi ông Gordon Smith (Hội trưởng Hội truyền giáo Cơ đốc thành lập Hội phong ở Đà Nẵng) lập ra làng này vào những năm 60 thập kỉ trước, ông cũng chỉ mong muốn cuộc sống của những bệnh nhân phong sẽ dễ chịu hơn và không còn quá nhiều gánh nặng tâm lý khi sống tách biệt với cộng đồng. Vậy nhưng, sự kì thị thì vẫn còn đeo đẳng mãi.
Khi tôi vào làng, gặp rất nhiều người. Có ngư dân lành lặn, có những người đi câu cá vì đam mê, và có cả những người từng bị bệnh. Những người tự nhận là "một phận hai quê". Dù gặp ai, tôi cũng thấy một nỗi thăm thẳm ánh lên trong mắt. Nhất là người đàn ông ấy, tôi không tiện hỏi tên, không tiện chụp hình, vì sợ ông mặc cảm. Chỉ dám chụp bóng lưng khi ông đã cất bước một quãng xa. Ông một chân còn vẹn nguyên, còn một chân bị mất ngón, tập tễnh đi trên con đường mòn từ chân núi, tập tễnh đi trên bờ cát về làng. Hỏi ông vài thông tin, ông chỉ cười lặng lẽ. Hỏi thêm lần nữa, ông mới bảo nhà trong làng họ đập phá hết rồi, không còn chi. Rồi ông thở dài và đi về phía biển.
Nhiều người tìm về làng cũ để câu cá, và để đỡ nhớ làng
Phía trước mặt, Đà Nẵng phồn hoa. Bên này, làng Vân vẫn điêu linh như những ngày xưa cũ. Bên kia người ngựa ngược xuôi. Bên này, có ông mỗi chiều ngồi trên cái chõng, bó gối nhìn về biển, miên miết, kiệt cùng.
Nhưng có lẽ, vài năm nữa thôi, khi làng Vân bị hắt hủi năm xưa trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp như dự án khủng đã được thành phố cấp phép thì đàn bò cũng phải lùa đi nơi khác, vịnh Nam Chơn cũng phải vắng bóng người quen. Và khi ấy, làng Vân sẽ thực sự bị xóa sổ.
Ngõ nhà từng một thời xôn xao tiếng, giờ cỏ dại mọc hoang tàn và người chủ cũ lâu lâu nhớ nên tìm về
Đã 6 năm từ khi người dân bị buộc rời bỏ làng, nhà cửa rêu phong kín lối, cổng làng trơ trọi, biển làng mất tên. Ký ức một thời tủi cực đau đớn, đang dần bị thời gian bào mòn.
Làng Vân hoang phế sau nhiều năm
Tiêu Dao - Đinh, thoidai.com.vn