Tháng 7 âm lịch hàng năm thường được coi là mùa Vu lan báo hiếu, là dịp để mỗi người tưởng nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mình.
Tối 11/8, hàng nghìn người đã tới chùa Kim Sơn Lạc Hồng ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để tham dự đại lễ Vu lan báo hiếu.
Không chỉ có những phật tử lớn tuổi, nhiều em nhỏ cũng được cha mẹ đưa đến đại lễ để nghe những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hi sinh của mẹ cha cả cuộc đời vất vả dành cho con cái.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình, Chủ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, bông hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài hoa hồng lên ngực trái là thể hiện tình cảm đẹp nhất, là chữ hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Bông hồng đỏ dành cho những ai còn cha, còn mẹ với ý nghĩa, sự tự hào hạnh phúc vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương.
Cài lên ngực trái bông hồng trắng, bà Phan Kiều Oanh, trú tại TP. Hoà Bình không giấu được cảm xúc đau thương khi nghĩ đến sự mất mát của cha lẫn mẹ.
Nhiều người rơi nước mắt khi nghe đến những câu chuyện về sự hi sinh, vất vả cả đời người của đấng sinh thành, đặc biệt với những người không còn cha mẹ, khi nhắc đến cha mẹ mình họ càng tiếc thương, đau xót vì chưa làm tròn chữ hiếu.
Trong đại lễ Vu lan tối qua, sau nghi lễ Bông hồng cài áo đầy xúc động là lễ thả đèn hoa đăng.
Hàng nghìn người tham gia lễ thả đèn hoa đăng tại hồ nước lớn trước cổng chùa.
Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho Quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc, vì vậy, mọi người tham dự đại lễ Vu lan báo hiếu thả những ngọn đèn hoa đăng xuống hồ với mong muốn gửi gắm, nguyện cầu tưởng nhớ về sự sinh thành của cha mẹ.
Theo Gia đình Việt