Bánh đúc là một thức quà quê dân dã tồn tại khá lâu đời trong ẩm thực Việt Nam. Nhưng thay vì ăn bánh đúc nguội chấm tương hoặc xắt lát để trộn nộm, người Hà thành lại nghĩ ra cách thưởng thức nóng độc đáo.
Món ăn bình dân này là sự kết hợp hoàn hảo của rất nhiều nguyên liệu, mang trong mình sự tròn đầy của ngũ vị hài hòa.
Một bát bánh đúc nóng đủ vị bao gồm bánh đúc sánh mềm, dẻo quánh, hơi nồng được nấu từ bột gạo với nước vôi trong. Nhân bánh làm từ thịt nạc băm nhỏ xào hành hoa, mộc nhĩ và vài miếng đậu phụ rán vàng ươm. Thêm vài cọng rau mùi, ít hành khô rồi chan nước dùng ngọt dịu.
Quy trình làm bánh đúc nóng cũng bắt đầu bằng những bước cơ bản của những chiếc bánh đúc truyền thống, từ khâu chọn gạo, ra bột đến khi quấy bánh.
Để có cốt bánh mềm, dẻo, không quá đặc hay quá lỏng, người nấu chọn gạo rất kỹ, ngâm gạo vừa đủ, xay bột và quấy bánh dùng ngay.
Ngoài chất lượng gạo, kỹ thuật xay bột, bánh đúc nóng Hà Nội ngon còn bởi nước chan và nhân, tạo thêm hương vị đặc biệt cho bánh. Nước chan được pha chế có vị ngọt dịu. Phần nhân bánh đậm đà ăn kèm với rau thơm rất hợp vị.
Bánh đúc nóng Hà Nội được xem là một sự sáng tạo mộc mạc nhưng khá phù hợp để làm vui lòng thực khách trong cái lạnh mùa đông. Ở Hà Nội có rất nhiều quán phục vụ bánh đúc nóng nức tiếng như các quán số 8 Lê Ngọc Hân, 296 Minh Khai, 106 Gốc Đề, Trung Tự…
Vào những ngày gió lạnh cuối thu, đầu đông, món bánh đúc nóng là lựa chọn lý tưởng để lót dạ sau một chiều lang thang phố xá. Bưng trên tay bát bánh đúc nóng hổi, đậm đà mùi thơm của hành phi, của thịt xào mộc nhĩ, rau mùi… rồi vừa xì xụp, vừa xuýt xoa, thử hỏi còn điều gì tuyệt vời hơn thế!
Theo nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn