“Bánh âm rưới mật ngọt ngào
Vừa thơm vừa mát ăn vào chẳng quên”
Bánh gio có tên gọi cổ là bánh âm. Bánh được làm từ các nguyên liệu đồng quê, giản dị, mộc mạc nhưng ăn một lần là nhớ mãi. Bí quyết làm nên tấm bánh gio ngon ở khâu chọn nguyên liệu kỹ, cách ngâm gạo và thời điểm gói bánh, luộc bánh.
Chọn loại nếp cái hoa vàng thật ngon, đem sàng sảy kỹ, loại bỏ những hạt xấu và không được lẫn dù chỉ là một hạt gạo tẻ. Gạo được vo sạch, thay nước nhiều lần, bao giờ thấy nước gạo thật trong mới thôi. Để gạo ráo nước rồi đem ngâm với nước vôi trong chừng hai giờ đồng hồ. Lại vớt ra đợi hạt gạo thật khô rồi mới đem ngâm vào nước tro qua một đêm.
Nước tro là nước được lấy từ tro của một số loại quả hoặc cây (có thể là quả xoan già và quả thầu dầu phơi khô với rơm lúa nếp), tùy bí quyết của làng nghề , hòa tan với lượng nước vôi thích hợp. Đợi cho nước tro lắng trong vắt như nước mưa, lọc bỏ phần cặn rồi đổ ra ngâm gạo nếp đã được vo sạch.
Gạo ngâm nước tro lên màu hổ phách được xúc vào giữa lá dong (đã được luộc sơ để cho ra hết nước xanh), dàn gạo đều và gói hình răng bừa, dùng lạt mềm buộc chặt. Cho vào nồi luộc độ 2-3h là bánh rền.
Trong quá trình làm bánh gio, tất cả nguyên vật liệu đều không được dính chút dầu mỡ nào. Nếu không ruột bánh không rền và liên kết, hạt gạo sẽ không trong suốt, chất lượng bánh vì thế mà giảm hẳn.
“Bánh âm trong hổ phách
Dẫu có đắt vẫn mua
Bánh âm vẩn nước dưa
Dẫu có cho chẳng đắt”…
Bên những gánh hàng rong, các bà các chị lần lượt bóc lớp lá dong để lộ ra một màu vàng óng ả. Mặt bánh ráo mà trong veo, hạt gạo tan ra nhìn mướt mát.
Bánh được cắt thành từng miếng nhỏ, có thể xếp lên đĩa hay để nguyên trên lá, rưới lên chút mật mía nâu sánh, thơm thơm vị gừng rồi vừa ăn vừa chím môi xuýt xoa thơm dẻo...
Thu Hằng/hanoimoi.com.vn