Bánh tằm là món ăn độc đáo, mới lạ, khiến cho những vị khách khi thưởng thức thường liên tưởng đến những món ăn quê nhà. Với những người khách từ phương Tây đến, món ăn này hao hao giống món mì spaghetti của Ý, khách Hàn Quốc thì liên tưởng đến món mì chachang, dân xứ Quảng thì nhớ đến món cao lầu… nhưng khi thưởng thức thì thật sự bất ngờ với hương vị độc đáo của bánh. Bánh tằm không pha lẫn mùi vị nào của những món ăn nói trên, có chăng là một mùi vị rất lạ, rất đặc biệt và rất Cà Mau.
Người Cà Mau gọi bánh là bánh tằm vì sợi bánh tròn tròn có đường kính tương đương với một con tằm, lớn hơn sợi bún một chút. Để có được hương vị hấp dẫn của một đĩa bánh tằm Cà Mau, đòi hỏi người đầu bếp phải chuẩn bị hết sức công phu từ khâu nguyên liệu cho đến gia vị.
Đầu tiên phải kể đến là công đoạn làm những sợi bánh tằm. Ngày xưa, khi điều kiện về trang thiết bị máy móc chưa có, người dân Cà Mau chủ yếu làm bánh tằm bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mẩn của người đầu bếp. Người ta chọn ra loại gạo nếp ngon, cho vào cối xay ra thành bột, đem bột đó khuấy đều trên bếp lửa cho đến khi thành hồ, để hồ nguội dần và đem se thành sợi trên tấm thớt hoặc mâm lớn. Sau đó đem bánh đã se xong để trên một cái xửng hấp nóng liu riu, khi ăn sẽ lấy ra.
Tiếp theo là công đoạn làm nước sốt, xíu mại và gà dai. Không như những món ăn được chế biến từ cà ri, bánh tằm Cà Mau không sử dụng nước cốt dừa béo ngậy mà thay vào đó là nước dừa tươi thanh mát kết hợp với nước mía để làm nước sốt. Những thành phần khác được thêm vào là cà ri, ngũ vị hương, sốt cà chua, ớt đỏ luộc xay nhuyễn, hành tây, bột năng…, nhưng để có được hương vị “mê người” thì đó là bí quyết riêng, bí truyền của mỗi quán ăn.
Xíu mại được nấu chung với nước sốt cũng cầu kỳ không kém. Vị béo ngậy của thịt mỡ, vị thơm của hành, độ săn chắc của tôm, giòn sần sật của củ sắn băm nhuyễn. Tất cả hòa quyện với nhau và được phủ bóng bởi một lớp nước sốt cà ri hơi ươm vàng vô cùng bắt mắt. Gà được chọn để nấu bánh tằm phải là gà thả vườn tự nhiên, thịt chắc và thơm.
Một đĩa bánh tằm khi được dọn ra vô cùng bắt mắt bởi màu trắng mềm của bánh tằm; màu xanh của các loại xà lách, rau thơm, giá đỗ; màu vàng ươm phơn phớt đỏ của nước sốt cà ri cay nóng phủ lên trên mặt bánh cùng với miếng thịt gà tươi ngon hoặc viên xíu mại mọng thịt. Người ăn có thể kết hợp thêm với quẩy hoặc bánh mì và chấm kèm với muối tiêu chanh thì thật tuyệt vời.
Ngoài ra, người Cà Mau còn chế biến bánh tằm thành nhiều kiểu khác nhau như bánh tằm bì, bánh tầm tàu hủ ky, bánh tằm thịt nướng, bánh tằm khoai mì… Mỗi loại đều có vị ngon đặc trưng và cuốn hút riêng.
Theo vtr.org.vn