Bình Định, một điểm đến trong những năm gần đây có ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Ngoài những cảnh đẹp của thiên nhiên, thì ẩm thực nơi đây cũng đã góp phần không nhỏ trong viêc giữ chân khu khách. Khi khám phá ẩm thực Bình Định, chắc chắn sẽ là một thiếu sót lớn nếu du khách chưa được thưởng thức món bún rạm dân dã gây “nghiện” bởi cái vị ngọt đậm đà tự nhiên ngon không tả xiết.
Bún rạm là một món ăn mộc mạc mà tinh tế, khiến bất cứ ai cũng phải mê mẩn vị ngọt dịu thơm thơm của mùi gạch rạm, cái giòn giòn dai dai của cọng bún và vị tươi mới của rau ăn kèm.
Người ta thường chỉ nghe nói bún rạm ở Quy Nhơn mà hiếm thấy ở vùng nào. Để làm ra một tô bún ngon, ngoài việc phải lựa chọn chuẩn những nguyên liệu tươi ngon chế biến thì phải kết hợp bàn tay khéo léo, cùng bí quyết gia truyền lâu năm.
Nguyên liệu làm món ăn này là những con rạm còn sống, người ta đem về làm sạch, giã nhuyễn lọc lấy nước nấu. Vì số lượng rạm rất nhiều nên nước dùng rất ngọt, chỉ thêm tí muối, tiêu ớt và hành cho thơm.
Linh hồn của món bún rạm đương nhiên là tô nước dùng béo mà không ngậy được nấu từ những con rạm. Rạm thuộc họ với cua, nhưng sống ở đầm nước lợ, đồng ruộng, thân nhỏ mà thịt chắc. Cứ vào khoảng tháng ba tháng tư âm lịch là mùa con rạm cực kỳ mập béo, người ta vớt lên rửa sạch, bóc mai, khéo léo tách hết trứng và gạch, trộn với thịt rạm nhuyễn. Đem nước rạm nấu lên, cho thêm dầu ăn, hành phi và nêm nếm gia vị.
Khi ăn, nước rạm để riêng, tô bún để riêng, người ăn sẽ chế nước rạm vào tô từng chút, từng chút, ăn đến đâu chế nước đến đó. Khi thưởng thức, phải có muối hột, ớt bay thì mới đúng vị bún rạm và nhất thiết phải có lá ngành ngạnh, xoài xanh, đậu phộng rang nguyên hạt. Vị ngọt tự nhiên của rạm, của nước gạo, của sợi bún quyện vào nhau tạo nên một hương vị thật đặc biệt khiến cho bất cứ ai có dịp thưởng thức đều mê mệt.
Tô bún cùng nước rạm để riêng và những nguyên liệu ăn kèm bên cạnh. Ảnh: Tường Quyên
Một điểm cộng của món ăn bún rạm là sợi bún được làm tại chỗ, khá công phu. Bún được làm từ gạo lấy ở những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi sau đó ép ra từ máy, luộc sơ qua nước gạo, vắt qua nước trong rồi mới cho vào tô. Chính điều này khiến cọng bún còn tươi mới nên sẽ dai, dẻo hơn so với bún làm qua đêm.
Bún được trụng qua nước sôi để sợi được to, trắng trong và giòn dai hơn. Ảnh: Tường Quyên
Tô bún trắng trong, chẳng màu mè phô trương, vị ngọt dịu thơm thơm của mùi gạch rạm, cái giòn giòn của bánh tráng, dai dai của cọng bún, vị tươi mới của rau ăn kèm, mùi rau húng thơm nồng trong từng gắp bún tạo nên mọt vị ngon ngọt, đậm đà tự nhiên cứ vương vấn trong khoang miệng, khiến cho những người mê ẩm thực cứ vương vấn mãi.
Khám phá miền đất võ, ghé vào bất cứ quán bình dân nào bạn cũng dễ dàng để thưởng thức tô bún rạm với giá bình dân, khoảng 18.000 - 20.000 đồng một bát. Đặc biệt, với những quán bún rạm nổi tiếng lâu năm như Bún rạm Mỹ Hạnh - địa chỉ : Ngô Đức Đệ, P. Nguyễn Văn Cừ, Tp. Qui Nhơn, Bình Định; quán Thùy - địa chỉ : 261 Tăng Bạt Hổ, P. Lý Thường Kiệt, Tp. Qui Nhơn, Bình Định.
Tường Quyên/ laodong.vn