Mắm Châu Đốc có bán khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở chợ Châu Đốc. Bởi thế bất cứ du khách nào khi đến đây, việc nhất định phải làm đó là ghé chợ, trước ngắm sau mua vài loại mắm về làm quà. Nếu là lần đầu ghé đến ngôi chợ địa phương này, bạn chắc chắn sẽ choáng ngợp bởi mắm, khô cá có ở khắp mọi nơi. Những con mắm lóc, mắm sặt, mắm linh, mắm ba khía chất thành “núi”, những hàng cá khô đủ loại cực kỳ hấp dẫn.
Trong các loại mắm được bày bán ở chợ Châu Đốc (An Giang), mắm thái được nhiều người ưa chuộng. Nguyên liệu chính để làm loại mắm này thường là cá lóc, đem lọc bỏ xương và da, sau đó xé nhỏ trộn với đu đủ xắt sợi và thịt ba rọi ram, thêm thính gạo, đường và ớt. Đường dùng làm mắm là đường thốt nốt – đặc sản của xứ Bảy Núi (An Giang).
Mắm thái ăn kèm với rau sống, chuối chát, thịt ba rọi luộc là đúng điệu. Người dân làm nghề ủ mắm ở Châu Đốc cho biết bất cứ loài cá nào cũng có thể làm mắm được nhưng ngon hơn cả là cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá trốt, cá linh.
Tại đây, nhiều gian hàng mắm trở nên nổi tiếng, được nhiều người dân và du khách khắp nơi biết đến, như Mắm Bà Giáo Khỏe, Mắm Bà Giáo Thảo, Mắm 9999, Mắm 6666… Ngoài việc bán trong nước, mắm còn được xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Lào…
Theo chia sẻ của người dân bán hàng nơi đây, ăn mắm có nhiều cách: ăn sống, chiên, chưng (có khi trộn chung với trứng vịt lộn, thịt ba rọi), kho. Ăn mắm không thể thiếu cà tím. Nếu ăn với mắm sống hoặc chiên, chưng thì dùng trái cà dài và bẻ nhỏ bằng tay, cắt bằng dao là không ngon. Còn mắm kho phải là cà dĩa, trái tròn, lấy cả vỏ cuốn cà mới là sành điệu. Mắm kho cần nhiều thứ rau, nhưng nếu thiếu bông súng, bông điên điển, rau dừa thì mất ngon. Mắm thái kèm thịt ba rọi luộc, ăn với bún, rau sống hoặc cuốn bánh tráng đều ngon.
Không chỉ nổi tiếng là “vương quốc mắm”, chợ Châu Đốc còn được nhiều người biết đến với các loại khô cá, đặc sản có giá trị. Trong đó, phải kể các loại khô như: khô cá tra phồng, khô cá lóc, khô nhái, khô rắn, khô cá sặc…
Bên cạnh chợ mắm, Châu Đốc còn một điểm tham quan đặc biệt mà hầu như tất cả du khách đều muốn ghé qua đó là miếu Bà Chúa Xứ. Nằm trong quần thể di tích nổi tiếng ở An Giang, cạnh đó là chùa cổ Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà lúc nào cũng tấp nập khách thập phương đến dâng hương.
Sau khi viếng miếu Bà Chúa Xứ, bạn có thể lên núi Cấm, chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất châu Á, cao 34m. Núi Cấm là đỉnh cao nhất của vùng Thất Sơn huyền thoại ở An Giang, nơi gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ.
Theo tapchidulich.net.vn